Chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “Không chấp nhận những doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng pháp luật để trục lợi”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Kiên Giang vào sáng 29/7. Ảnh: Dân Trí. |
Ngày 29/7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 với chủ đề: "Kiên Giang – Tiềm năng, cơ hội đầu tư và phát triển bền vững". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần được khơi dậy như đất đai, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, thủy sản… Do đó, hội nghị lần này nhằm giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh nhằm thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Cung cấp cho các nhà đầu tư các danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Kiên Giang…
Cùng với đó, hội nghị tập trung giới thiệu và mời gọi các nhà đầu tư có năng lực hãy đến với Kiên Giang sẽ có nhiều cơ hội tại vùng đất này, bằng những tiềm năng, lợi thế của địa phương hy vọng sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua hội nghị này, tỉnh Kiên Giang muốn mang thông điệp đến với doanh nghiệp trong nước và quốc tế: "Tiềm năng, lợi thế của Kiên Giang là cơ hội đầu tư, phát triển của doanh nghiệp. Kiên Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư thực hiện thành công dự án, phát triển bền vững trong tương lai".
Hội nghị giới thiệu 118 danh mục dự án lớn ưu tiên mời gọi đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt trên các lĩnh vực như du lịch (14 dự án), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (19 dự án), sản xuất công nghiệp (17 dự án), môi trường (8 dự án), giao thông vận tải (23 dự án), đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp (16 dự án), nhà ở và phát triển đô thị (11 dự án), thương mại (5 dự án), nước nông thôn (3 dự án) cùng với các lĩnh vực về văn hóa thể thao, giáo dục và đào tạo với 2 dự án.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Kiên Giang cần trở thành một trong những tỉnh Tây nam bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên. Nền kinh tế hướng biển phát huy tốt nhất những tinh hoa của vùng đất có tài nguyên phong phú; một không gian trải nghiệm du lịch độc đáo đẳng cấp quốc tế hướng đến phát triển du lịch bền vững...
Để khơi dậy các tiềm năng đó, Kiên Giang cần gia tốc thứ hạng môi trường kinh doanh. Nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, vì là năm thứ 5 liên tiếp chỉ số PCI tuột hạng. Do đó, Kiên Giang cần nâng cao các chỉ số còn yếu, như: gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của các cơ quan quản lý nhà nước…"
Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, Thủ tướng cho rằng: “Cần có tầm nhìn để biến đảo ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam mà để Phú Quốc cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực”.
Ngoài ra, Thủ tướng còn lưu ý: “Kiên Giang cần có tầm nhìn và chất lượng quy hoạch; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, đảm bảo chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân, nhất là sinh kế; Du lịch Phú Quốc phát triển bền vững cần giữ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội an bình. Trước hết là thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa phú Quốc”.
Với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: “Chính phủ cần nhà đầu tư chuẩn mực, hướng đến các giá trị dài hạn có đóng góp cho nền kinh tế và thực hiện các đóng góp cho xã hội. Chúng ta không chấp nhận những doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng pháp luật để trục lợi, trốn thuế, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hại các tài nguyên thiên nhiên, làm xói mòn các giá trị cốt lõi của xã hội. Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần sớm thực hiện các cam kết của mình”.
Với Chính phủ, Thủ tướng cam kết sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, địa phương. Tháo rỡ các thể chế ở một số lĩnh vực còn chồng chéo; tiếp tục chỉ đạo thành công chính phủ điện tử; phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương tạo điều kiện thuận lợi đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Thanh Tùng (T/h)