Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phát biểu tham luận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần khắc phục; chia sẻ bài học kinh nghiệm; phân tích bối cảnh tình hình, đề xuất giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực GTVT.
Ngành GTVT đề ra nhiệm vụ, đặt mục tiêu cho năm 2024 tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế; đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, lành mạnh, an toàn, thuận lợi, phục vụ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; phấn đấu sản lượng vận tải tăng khoảng 7%, số lượng hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2023; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 8,5%, luân chuyển hành khách tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2023; khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt khoảng 785 triệu tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2023 là năm thời cơ thuận lợi đan xen khó khăn thách thức. Trong đó khó khăn thách thức nhiều hơn, nhiều diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vượt khỏi tầm kiểm soát và không thể dự báo trước. Điều này đã tác động lớn đến tình hình trong nước, trong đó có ngành GTVT.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, nỗ lực của Bộ GTVT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng với cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, phát triển hạ tầng, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ngành có nhiệm vụ quản lý rộng, nguồn vốn lớn, nhiều công trình, lĩnh vực, trải dài từ Bắc tới Nam, đòi hỏi phải quản lý, điều hành bao trùm, toàn diện, có hiệu quả và chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, hoan nghênh những thành tích, kết quả mà Bộ GTVT và các địa phương đã đạt được trong lĩnh vực GTVT năm 2023.
Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật, Thủ tướng đánh giá, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ GTVT đã đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tích cực đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, làm việc quyết liệt, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và tình hình thực tế để triển khai linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả.
Về công tác hoàn thiện thể chế, Thủ tướng biểu dương Bộ GTVT đã tích cực, chủ động rà soát, xây dựng hoàn thiện thể chế, trình Chính phủ 13/13 Nghị định đạt 100% kế hoạch theo chương trình công tác của Chính phủ. Đồng thời, đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đến nay, 5/5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông theo luật quy hoạch đã được Bộ GTVT hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông năm 2023 là điểm sáng với nhiều dự án mới được phê duyệt, khởi công mới, cũng như hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến cao tốc, nhà ga hàng không,...
"Năm nay, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Trong quá trình làm đã giữ được tinh thần: Vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ GTVT cũng đã thực hiện rất tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT; tích cực, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề nóng, phức tạp liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương như giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp vật liệu, phân cấp, ủy quyền đã được kịp thời tháo gỡ.
Với một tinh thần làm việc hăng say, xuyên lễ, xuyên Tết, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, chỉ tiến không lùi, ba ca bốn kíp, không ngừng nghỉ ngày đêm sớm tối, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ của toàn ngành GTVT, chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu đã hoàn thành trên 730km đường cao tốc.
Từ đây, Thủ tướng đề nghị tinh thần này cần phải chuyển tải đến các địa phương, các công nhân trên công trường.
Bộ GTVT cũng đã tổ chức tốt với nhiều đổi mới trong công việc ở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia…
"Phương án nào có lợi nhất thì chúng ta làm. Cấp nào, cơ quan nào làm có hiệu quả nhất thì giao việc, tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng thực tiễn", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023, phối hợp với các cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ các dự án sân bay, nhất là dự án sân bay Long Thành.
Cùng với đó, công tác điều hành hoạt động vận tải trong năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; sản lượng vận tải các lĩnh vực đều tăng so với cùng kỳ. Việc triển khai công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được những kết quả khả quan.
Bên cạnh những thành tựu vẫn còn những vấn đề hạn chế, cần giải quyết nhanh, đồng bộ, Thủ tướng nhấn mạnh không nên say sưa với thắng lợi, không lơ là chủ quan, luôn nỗ lực cố gắng hơn nữa để khắc phục những tồn tại. Công tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng "trá hình" còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Nhiều công trình đường bộ cao tốc đã kịp hoàn thành, đưa vào khai thác song việc đầu tư các trạm dừng nghỉ, cầu vượt dân sinh, hệ thống giao thông minh (ITS)… chưa đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người sử dụng. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng và nhu cầu thực tiễn.
Trong năm 2024, Thủ tướng cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ GTVT yêu cầu một số vấn đề trọng tâm. Trong đó lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực, nguồn lực, dẫn dắt trong xây dựng khảo sát thiết kế, giám sát, tổ chức thi công các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực tham nhũng để phát triển nhanh và bền vững các công trình, dư án giao thông.
Cùng đó là nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của từng vùng miền, lĩnh vực. Đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện thể chế nhất là những vướng mắc, bám sát với thực tiễn.
Giữ vững kỷ cương, phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát thường xuyên, giảm tất cả thủ tục hành chính phiền hà, sách nhiễu gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Phải hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp nhà nước và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Giao các nhiệm vụ cụ thể cho ngành GTVT với quan điểm ưu tiên nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát tiến độ, nâng cao chất lượng, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng sân bay Long Thành - dự án rất lớn mang tính biểu tượng của cả nước.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu sớm trình phê duyệt, khởi công một số dự án PPP, như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại khu vực miền núi phía Bắc, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tại khu vực Đông Nam Bộ nối với Tây Nguyên, cao tốc Nam Định - Thái Bình tại Đồng bằng sông Hồng…
XEM THÊM: Năm 2023, Bộ GTVT giải ngân vốn đầu tư công cao "kỷ lục"
Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cùng các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trên địa bàn.
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những hành vi phạm theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng mong muốn các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu cần trưởng thành hơn nữa về mọi mặt; đơn vị tư vấn phải thực hiện đúng các quy định; nhà thầu phải tôn trọng pháp luật, không lợi dụng chính sách; các ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
"Các nhà thầu cũng phải đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên hết; kinh doanh phải có lãi nhưng phải bằng trí tuệ, sức lực, công khai, minh bạch chứ không phải bằng tiêu cực, trục lợi chính sách", Thủ tướng lưu ý.
Nguyễn Lâm