“Công chức muốn lương cao thì sang doanh nghiệp. Vào công chức mà để làm giàu thì dễ phạm tội”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo về cải cách tiền lương, ngày 12/10.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. |
Ông Tuấn nói: Ở doanh nghiệp, mức thu nhập phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, nếu có lãi thì lương cao, ngược lại nếu làm ăn thất bát thì sẽ thấp. Còn với công chức thì thường ổn định, nhưng lương không thể như ở doanh nghiệp được. Bởi vì đó là tiền của người dân đóng thuế để trả lương cho anh, anh phải phục vụ lại nhân dân. Còn đi vào công chức mà để mà làm giàu thì rất sai lầm.
Bộ Nội vụ quan niệm như thế nào về chính sách cải cách tiền lương thưa ông?
Đầu tiên chúng ta phải thay đổi về nhận thức, như làm công chức mà muốn lương cao thì sang doanh nghiệp, nhưng nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo cho công chức yên tâm làm việc, yên tâm phục vụ nhân dân.
Muốn cải cách tiền lương đạt được kết quả, đầu tiên phải thay đổi nhận thức về việc trả lương và cơ chế để trả lương cho công chức gắn với tính chất đặc điểm của công chức. Đồng thời phải phân biệt được giữa người làm tốt, người làm không tốt. Cơ chế phải được thay đổi để đảm bảo người làm việc tận tụy, hiệu quả phải khác với người làm việc lười biếng, không đáp ứng được yêu cầu.
Những người không đáp ứng được yêu cầu phải đưa ra khỏi hệ thống công vụ bằng chính sách tinh giản biên chế, chỉ giữ lại trong đơn vị mình những người làm việc tốt, bên cạnh đó là thu hút những người đủ trình độ năng lực vào trong cơ quan. Bản thân những người đó, họ sẵn sàng làm việc với nguyện vọng phục vụ nhân dân. Còn vào công chức mà để làm giàu thì dễ phạm tội, không kỷ luật thì cũng đủ yêu tố cấu thành tội, bị truy tố. Công chức phải hiểu được điều đó.
Nếu xuất phát từ nhận thức đó mới thay đổi nhận thức trong cải cách tiền lương phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với khả năng của ngân sách, đồng thời cân đối tiền lương, đảm bảo cho công chức sống bằng lương của mình, không phải lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền”, dễ có những sai phạm.
Việc này sẽ được cụ thể hóa ra sao?
Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo cũng nhằm lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý để trao đổi, thảo luận, thống nhất về nhận thức trong cải cách tiền lương từ đâu, như thế nào. Ví dụ như không phải cứ nâng lương tối thiểu mới là cải cách tiền lương, mà vấn đề cải cách tiền lương là về vấn đề tạo nguồn, về vấn đề chế độ tiền lương hiện nay.
Theo ông, công chức muốn lương cao thì sang doanh nghiệp, nhưng điều đó có dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ công chức sẽ thấp đi?
Chính vì vậy cải cách tiền lương phải có chính sách thu hút người có đủ năng lực, có thực tài vào nền công vụ để phục vụ nhân dân. Và những người có tài năng thực sự thì họ không nghĩ đến tiền nong đâu, không đặt vấn đề tiền lương lên đầu tiên làm điều kiện để làm việc mà chính là người ta cần môi trường làm việc, để người ta được cống hiến nhiều hơn. Còn những người vào công chức chỉ nghĩ đến tiền lương không thôi thì chưa chắc đã là những người giỏi.
Cảm ơn ông.
Luân Dũng
Nguồn: Tiền phong
[mecloud]KFjfw7coSg[/mecloud]