Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, chắc chắn VEC sẽ dùng nguồn tiền bán 5 cao tốc để tái đầu tư dự án cao tốc khác, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đầu tư 1.000 km đường cao tốc.
Ảnh minh họa. |
PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường liên quan đến đề án bán 5 tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: Nguyễn Thảo |
PV: Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã công bố kế hoạch chuyển nhượng 5 tuyến cao tốc. Trước đó, VIDIFI cũng đã thông qua kế hoạch bán 70\% cổ phần của dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho nhà đầu tư đến từ Ấn Độ. Quan điểm của ông về chủ trương bán đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng 5 dự án đường cao tốc của VEC và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, VEC đã khẩn trương hoàn thành tái cơ cấu tổng thể mô hình tổ chức hoạt động gắn với đổi mới phương thức quản lý tài chính và cơ chế quản lý của dự án Tổng công ty sau tái cơ cấu.
Theo đó, VEC đang xây dựng phương án theo hướng cổ phần hóa Tổng công ty song song với việc xây dựng phương án thành lập các Công ty cổ phần dự án.
Phương án chuyển nhượng thu phí, bán cổ phần để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia là chủ trương mới, chưa từng có tiền lệ nhưng khi thực hiện thành công sẽ góp phần làm giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời giúp VEC thu hồi vốn để có nguồn lực đầu tư, triển khai các dự án khác đã được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Việc bán đường cao tốc nằm trong 3 lĩnh vực là đầu tư hạ tầng, khai thác vận hành thu phí và dịch vụ trên đường cao tốc.
PV: Chi phí làm các tuyến đường tại Việt Nam đánh giá ở mức giá cao, thậm chí cao gấp mấy lần tại Mỹ. Điều này có ảnh hưởng đến quá trình bán cổ phần, chuyển nhượng, liệu nhà đầu tư có sẵn sàng mua?
Nếu lấy chi phí làm đường tại các nước phát triển như Mỹ để so sánh với Việt Nam sẽ rất khập khiễng. Việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc phải tách rời tiền giải phóng mặt bằng và thực tế, việc xây dựng các tuyến đường tại Việt Nam đắt do tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, còn những lý do khác như tất cả những vật liệu chính đều nhập khẩu gần như 100\% như thép chuyên dụng, nhựa đường, các thiết bị máy móc khác… trong khi các nước phát triển họ tự sản xuất.
Nhà đầu tư khi quyết định mua tuyến đường sẽ xem xét giá thành đầu tư, lưu lượng xe đi qua con đường đó. Tất nhiên, những dự án nào hấp dẫn sẽ bán trước những dự án chưa hấp dẫn sẽ bán sau, không bán một lúc hết 5 dự án mà sẽ bán có lộ trình.
Việc bán với mức giá nào tùy thuộc vào mỗi phương thức sẽ có mức tính toán khác nhau. Ví dụ, nếu chuyển nhượng quyền thu phí từ 5-10 năm sẽ có cách tính toán khác việc chuyển nhượng quyền khai thác trong mấy chục năm.
Sẽ có những tính toán khác nhau để có mức giá khác nhau nhưng chắc chắn VEC dùng tiền để tái đầu tư các dự án cao tốc khác, phấn đấu mục tiêu đề ra năm 2020 sẽ đầu tư 1.000 km đường cao tốc.
Tất cả những thông tin về các tuyến đường cao tốc được bán, chuyển nhượng sẽ được đăng tải lên các trang thông tin để các nhà đầu tư xem xét.
PV: Có ý kiến cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia khả năng giá phí sẽ tăng, người dân chịu thiệt. Vậy làm thế nào để cân bằng lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân? Với những tuyến đường huyết mạch ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng cần lưu ý gì?
Hiện nay nhà nước có quy định mở đối với những tuyến đường cao tốc độc đạo, mức thu đó phải có lộ trình còn những tuyến đường người dân có thể lựa chọn giữa đường cao tốc A hay B, nhà đầu tư sẽ phải chọn mức thu hợp lý nhất.
Trong trường hợp này thị trường sẽ điều tiết thay vì doanh nghiệp áp đặt những mức giá cao vì nếu đưa ra mức thu cao người dân không đi mà lựa chọn con đường khác.
Tóm lại mức giá hợp lý để thu hút lượng xe vào vẫn đảm bảo kinh doanh vận tải điều này nhà đầu tư phải cân nhắc và người bán phải cân nhắc.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, việc bán quyền khai thác mà quyền khai thác nhà đầu tư được khai thác để sinh lời còn quản lý thủ tục đất đai, an ninh quốc phòng, an toàn giao thông… vẫn phải theo quy định của nước sở tại.
Quyền khai thác đó khi bán phải đưa ra những điều kiện nhất định cam kết giữa nhà đầu tư và cam kết với Việt Nam.
PV: Đây là phương án mới vậy hành lang pháp lý đặt ra như thế nào để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Hiện VEC đang phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải rà soát, nghiên cứu cơ sở pháp lý, tiến hành thăm dò nhu cầu thị trường và tính toán những phương án hợp lý nhất để nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia góp vốn phù hợp với các quyết định của pháp luật và nhu cầu huy động vốn của Tổng công ty.
Do các dự án đường cao tốc đều thuộc hệ thống đường bộ quốc gia nên việc cổ phần hóa, nhượng quyền thu phí sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý.
Vì vậy VEC sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, các ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo cơ sở pháp lý để triển khai trong thời gian sớm nhất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!