GS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế - đã lên tiếng trả lời dư luận về việc Bộ Y tế ra công văn yêu cầu các bác sĩ không dùng phương pháp gây tê tuỷ sống đối với một số trường hợp đặc biệt.
Infonet đăng ý kiến của GS Nguyễn Viết Tiến cho hay, ông ký công văn gửi các cơ sở y tế yêu cầu các bác sĩ khi thực hiện mổ bắt con các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật… không được dùng phương pháp gây tê tuỷ sống, thay vào đó dùng gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân).
GS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế. |
Công văn này cũng chỉ rõ, việc áp dụng gây tê tuỷ sống với những trường hợp này có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như bệnh cảnh của tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, rối loạn chức năng tạng... Khi đó cấp cứu cực kỳ vất vả, nguy cơ tử vong cao.
Dư luận hiểu lầm là do nhiều báo chí giật tít chưa đúng
Theo Dân trí, mặc dù công văn nêu rõ chỉ dừng áp dụng phương pháp gây tê tủy sống với các thai phụ có bệnh lý như rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... nhưng mấy ngày qua những tít bài “Cấm gây tê tủy sống trong mổ lấy thai”, “Thay gây tê tủy sống bằng gây mê trong mổ đẻ”... đã khiến dư luận hoang mang.
Nhiều chị em bày tỏ sự lo lắng hoang mang do hiều chưa đúng về công văn trên. |
Trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ đã sinh con bằng phương pháp này bày tỏ lo lắng bởi đã từng gây tê tủy sống trong khi sinh mổ. Những người mổ rồi thì lo lắng tình trạng đau lưng có phải là biến chứng do gây tê tủy sống, những người chuẩn bị sinh thì xin ý kiến xem nên dùng phương pháp nào không đau khi sinh mổ.
Một bác sĩ chuyên ngành sản khoa bày tỏ: “Các bác sĩ sản khoa như mình đâm lo vì các thông tin như vậy gây ra rất nhiều hoang mang cho các thai phụ và người nhà. Bởi lẽ họ chỉ đọc đầu đề mà không hiểu rõ thông tin bên trong chỉ nói về một số bệnh cảnh lâm sàng cần chống chỉ định trong gây tê tuỷ sống. Phương pháp vô cảm cho sản phụ thích hợp cho mổ lấy thai phụ thuộc vào mẹ, thai nhi và các yếu tố sản khoa”.
Trước công văn gây “sóng gió” trong diễn đàn các mẹ "bỉm sữa", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng công văn này chỉ dành cho các trường hợp sản bệnh lý còn đại đa số các tường hợp bà mẹ bình thường thì gây tê tuỷ sống.
Nói về việc gây tê tuỷ sống khi mổ sinh, GS Tiến cho biết, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới với biện pháp mổ lấy thai thì bác sĩ đều sử dụng biện pháp gây tê tuỷ sống. Tỷ lệ vào khoảng trên 95% áp dụng gây tê tuỷ sống. Với trường hợp đặc biệt như trên không gây tê tuỷ sống chỉ dưới 5%.
Trả lời Zing.vn, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết việc thay thế bằng phương pháp gây mê nhằm giảm nguy cơ xảy ra biến chứng với các sản phụ trên trong quá trình đẻ mổ.
Gây tê tủy sống là phương pháp được áp dụng cho 95% sản phụ sinh mổ. |
Bộ Y tế đã theo dõi nhiều trường hợp tai biến tại địa phương và những ý kiến phản ánh từ các đơn vị. Qua đó, những sản phụ này có nguy cơ tai biến cao (suy đa tạng, rối loạn đông máu, ngừng tim, tắc mạch ối) nếu áp dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai. Họ thường bị chảy máu nhiều và tụt huyết áp nên rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, gây tê tủy sống còn gọi là gây tê dưới màng cứng hay tê dưới màng nhện, là một phương pháp gây tê vùng, thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới màng nhện, thuốc tê sẽ hòa chung vào dịch não tủy và sẽ tác dụng vào các rễ thần kinh gây mất cảm giác, liệt vận động.
Do đó, biện pháp này chỉ được áp dụng với những sản phụ có sức khỏe ổn định. Đối với sản phụ có bệnh lý đặc biệt, các bác sĩ sẽ không sử dụng biện pháp này. Đây là điều đã được thực hiện từ lâu nhằm đảm bảo sức khỏe cho các sản phụ.
Theo các chuyên gia, gây tê tủy sống được nhiều sản phụ lựa chọn trong mấy năm gần đây. Ưu điểm của phương pháp này là giúp sản phụ hô hấp bình thường trở lại nhanh hơn, tỉnh táo và ý thức hơn về môi trường xung quanh, khả năng di chuyển sớm hơn sau khi mổ lấy thai, giảm các triệu chứng như lo âu, nôn ói, buồn nôn và kiểm soát cơn đau tốt hơn. Tuy nhiên, biện pháp này cũng kéo theo hàng loạt biến chứng nhất định cho sức khỏe sản phụ.
Với các biến chứng khi gây tê tuỷ sống, GS Tiến cho biết kỹ thuật này hiện nay đã rất tốt, bác sĩ đều áp dụng. Trước khi gây tê tuỷ sống có 1 di chứng, biến chứng gây đau đầu, đau gáy nhưng người ta dùng kim to còn bây giờ bác sĩ dùng kim nhỏ nên di chứng không còn nữa, so với gây mê thì gây tê tuỷ sống an toàn hơn.
Những trường hợp nào không được gây mê?
Gây mê nội khí quản không được sử dụng cho trường hợp sản phụ ăn no. Nếu phải mổ cấp cứu thì nên hút sạch thức ăn ở dạ dày mới được gây mê nội khí quản. GS Nguyễn Viết Tiến cho rằng nhiều bác sĩ ngại phiền toái không hút thức ăn ở dạ dày vẫn gây mê cho bệnh nhân thì cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây sặc.
Nếu không phải phẫu thuật cấp cứu thì nên để qua 6 tiếng, thức ăn tiêu hoá hết khỏi dạ dày mới tiến hành gây mê nội khí quản.
Trường hợp sản phụ vừa có bệnh lý nêu trên kèm theo hen phế quản không thể gây mê nội khí quản mà cần gây tê tủy sống nhưng phải lường trước được biến chứng có thể xảy ra, chuẩn bị sẵn sàng có thể cấp cứu được để tránh nguy hiểm cho sản phụ trong cuộc mổ.
"Với các sản phụ, nếu có các nguy cơ như trên có thể trao đổi với bác sĩ để có thể gây mê hoặc gây tê tuỷ sống để cuộc sinh mổ được thành công nhất." - GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết.
Tổng hợp