+Aa-
    Zalo

    Thu hồi đất cho sân bay Long Thành: Cần tính đến lợi ích của người dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, liệu việc thiết kế nhà vườn 300 m2 có phù hợp với khả năng thanh toán của người dân bị mất đất làm sân bay Long Thành.

    Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, liệu việc thiết kế nhà vườn 300 m2 có phù hợp với khả năng thanh toán của người dân bị mất đất làm sân bay Long Thành.

    Thảo luận tại tổ ngày 27/10 về Dự án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 5.000 hộ dân để làm cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo ngại về phương án thiết kế hai khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng.

    Tổng diện tích thu hồi đất xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là hơn 5.585 ha, ảnh hưởng tới 4.864 hộ gia đình bị thu hồi đất, trong đó 100% số hộ có nhu cầu nhận đất tái định cư.

    Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ nên bố trí một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để giải quyết chỗ ở cho người dân có đất bị thu hồi. Trường hợp cần thiết, có thể thiết kế lại diện tích các lô đất tái định cư, giảm bớt nhà liền kề có sân vườn hoặc quy hoạch bổ sung thêm quỹ đất cho khu Lộc An – Bình Sơn có thể đáp ứng yêu cầu.

    Phải tính suất tái định cư tối thiểu

    Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế trong khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn gồm hai loại là nhà liền kề (với diện tích từ 125-150 m2) và nhà liền kề có sân vườn (diện tích 250-300 m2). Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát, xem xét lại việc bố trí tái định cư bằng nhà liền kề có sân vườn với diện tích 250-300 m2 vì diện tích phần sân vườn này không có tác dụng phát triển sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, trong khi về mặt cảnh quan, môi trường quy hoạch khu tái định cư đã tính đến phần diện tích dành cho cây xanh, đất dành cho mục đích công cộng…

    Thực tiễn cho thấy ở các khu đô thị, diện tích như vậy thường phù hợp với những gia đình có thu nhập khá trở lên, trong khi theo số liệu của Báo cáo, hiện trạng nhà ở của các hộ dân có tới 4.039/4.083 căn nhà là cấp 4 và dưới cấp 4 (99%). Do đó, nhiều hộ dân sẽ khó có điều kiện thanh toán cho diện tích đất tái định cư lớn như vậy.

    Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc thiết kế nhà tái định cư 250-300 m2 như vậy có phù hợp với điều kiện của người dân hay không, khả năng thanh toán của người dân sau này thế nào?

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

    Bà Ngân cũng cho rằng, trong thiết kế khu tái định cư chưa đưa được ra suất tái định cư tối thiểu. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ: trong Luật Đất đai quy định trường hợp người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường hỗ trợ không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì nhà nước phải hỗ trợ tiền để mua cho người dân.

    Phải tính kế sinh nhai cho dân

    Một trong những vấn đề được các ĐBQH quan tâm đặc biệt là việc làm, đào tạo tay nghề cho các đối tượng lao động thuộc diện mất đất do giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành.

    ĐBQH Hồ Văn Năm (đoàn Đồng Nai) lưu ý: Tạo việc làm cho người bị thu hồi đất, nhất là thanh niên tới tuổi lao động, phải tính toán trước, khi thu hồi đất thì lực lượng này phải được bố trí việc làm đầy đủ.

    Hầu hết cư dân trong vùng dự án là nông dân, làm công nhân cao su, sản xuất nông nghiệp. Nếu thu hồi đất thì số thất nghiệp rất lớn, không tính đồng bộ thì tình hình rất phức tạp, ông Năm nhận định.

    ĐBQH Hồ Văn Năm

    Theo ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), nếu quỹ đất nông nghiệp còn, việc bố trí nhà rộng hơn là điều kiện khuyến khích cho người dân, trong trường hợp khó quá mới phải chịu. Cần phải có quy định về diện tích nhà cho suất tái định cư tối thiểu, lấy giá trị tiền trung bình 200 triệu thì chưa ổn.

    Ngoài ra, ông Thành cho rằng, đào tạo nghề cho lao động trẻ phải gắn với các doanh nghiệp chứ không đơn thuần đi theo kênh của Sở Lao động, bởi trước nay rất hình thức, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Cần nghiên cứu rất kỹ mới có thể giải quyết được, tránh gây khó khăn cho người dân.

    Chia sẻ vấn đề này, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, vùng đất giải tỏa phần lớn vẫn là nông thôn, tuy có 1 số yếu tố đô thị nhưng quy hoạch lại thành đô thị. Chính vì vậy, không thể tuyệt đối hóa mà tạo dần sự thay đổi, đáp ứng yêu cầu.

    Việc di dời dân là để tạo mặt bằng xây dựng công trình, nhưng phải xây dựng không gian văn hóa, đô thị mới. Nếu không chuẩn bị trước, sau sẽ lổn nhổn, khu sân bay Long Thành cần khu đô thị chuẩn mực, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm./.

    Trần Ngọc/VOV.VN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-hoi-dat-cho-san-bay-long-thanh-can-tinh-den-loi-ich-cua-nguoi-dan-a206979.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan