Thông tin Tập đoàn Geleximco đề xuất hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc cùng thực hiện xây dựng sân bay Long Thành đã khiến giới chuyên môn và dư luận “giật mình”.
Thứ nhất là đại gia Vũ Văn Tiền - ông chủ của Geleximco - liệu có thể huy động được số vốn lên tới 16 tỉ USD để triển khai dự án? Thứ hai, các đối tác của Geleximco là ai và liệu những đối tác này có đi vào vết xe đổ “đội vốn”, “chậm tiến độ” đã từng như dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh?
Geleximco “khủng” cỡ nào?
Dù không “nổi bật” trên truyền thông bằng các đại gia khác nhưng Geleximco đã và đang là một tập đoàn có “máu mặt” trong 4 lĩnh vực chính là: Sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính ngân hàng, giáo dục, công nghệ thông tin.
Mô hình sân bay Long Thành. Ảnh: T.L |
Theo thông tin từ chính tập đoàn này, tiền thân của Tập đoàn GELEXIMCO là Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội thành lập 9.1.1993 dưới hình thức Cty Trách nhiệm hữu hạn. Sau đó Geleximco chuyển đổi thành Cty Cổ phần ngày 13.4.2007.
3 năm sau, tức năm 2010, Geleximco tuyên bố sở hữu số vốn lên tới 6.000 tỉ đồng. Thế nhưng điều này chưa nói hết được mức độ “khủng” của tập đoàn này. Theo danh bạ chưa đầy đủ, Geleximco có 6 chi nhánh trên toàn quốc, 19 Cty thành viên, 11 doanh nghiệp liên kết. Tổng số nhân viên lên tới trên 6.000 người.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Geleximco nổi bật với thương hiệu ABBank (Geleximco chiếm gần 13% vốn) với tổng vốn hiện đã trên 4.600 tỉ đồng. Ông Vũ Văn Tiền vừa là Chủ tịch HĐQT ABBank, đồng thời là Chủ tịch Geleximco và Cty CP Chứng khoán An Bình.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Geleximco có các mũi nhọn là Nhà máy Ximăng Thăng Long, Nhà máy Ximăng Thăng Long 2, Nhà máy Ximăng An Phú (riêng 3 nhà máy ximăng này đã có tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD) Nhà máy Giấy cao cấp An Hòa, Nhà máy Sản xuất Bột giấy An Hòa, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long...
Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco cũng đang thực hiện các dự án ngàn tỉ như Dự án Khu đô thị mới dầu khí - Geleximco tại Hoài Đức, Hà Nội. Đây là dự án do Geleximco và TCty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 10.322 tỉ đồng. Dự án Cống hóa mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng với vốn đầu tư 1.016 tỉ đồng hay Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại huyện Hoài Đức và hai bên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông (Hà Nội) với diện tích 135ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng…
Đầu năm 2017, Geleximco cũng đã được Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư hai siêu dự án là Dự án Khu cảng tổng hợp và Trung tâm Logistics Cái Mép hạ, huyện Tân Thành và Dự án Khu đô thị, du lịch, văn hóa và thể thao tại khu đất Paradise, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư lên tới 30.000 tỉ đồng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tổng vốn đầu tư các dự án mà Geleximco đề xuất mới đây có thể lên tới gần 50 tỉ USD...
Không thể không nhắc tới thành công của Geleximco gắn liền với tên tuổi Vũ Văn Tiền. Theo thông tin từ ABBank, vị đại gia kín tiếng này quê ở Thái Bình, sinh năm 1959, tốt nghiệp cử nhân Đại học Kinh tế, từng nhận Huân chương Lao Động hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng, Công dân ưu tú Thủ đô 2015…
Đầu tư mạo hiểm?
Trên thực tế, phi vụ xin làm sân bay Long Thành không phải phi vụ “khủng” nhất của Geleximco. Vào tháng 10.2016, Geleximco đã cùng Cty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đề nghị Bộ GTVT cho phép tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam theo hình thức PPP.
Theo dự án của Geleximco và HUI, thì liên danh này sẽ tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TPHCM - Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Đặc biệt trong, dự án đó có nhắc đến việc Geleximco và HUI sẽ cùng làm dự án xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Theo ước tính, tổng vốn đầu tư các dự án nêu trên có thể lên tới gần 50 tỉ USD. Lần này, Geleximco lại một lần nữa nhắc đến sân bay Long Thành, nhưng đối tác đã thay đổi.
Trong phần giới thiệu đối tác của dự án Geleximco đặt vấn đề là họ có quan hệ với một số đối tác của Trung Quốc là KAIDI Dương Quang, Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung)… Tại cuộc gặp gỡ hồi tháng 7.2017 giữa Chính phủ và đại diện hai doanh nghiệp trên là các ông Trần Nghĩa Long - Chủ tịch HĐQT Kaidi Dương Quang và ông Tưởng Vinh Kiện - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Quản lý tài sản Hoa Dung (Trung Quốc) các đối tác Trung Quốc xác nhận cùng một đối tác Việt Nam đã thành lập quỹ đầu tư quốc tế với quy mô vốn lên tới 15 tỉ USD, trong đó có mục tiêu đầu tư vào các dự án ở Việt Nam.
Việc đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành với tổng vốn 16 tỉ USD có “quá sức” với Geleximco? Vẫn là câu hỏi chưa thể trả lời. Trong khi đó, Bộ GTVT cũng đã đưa ra quan điểm “hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư”. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khi trả lời vấn đề này cũng khẳng định: “Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch thông qua đấu thầu. Bộ cũng sẽ kiểm soát giá thành, tiến độ chặt chẽ”.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia kỹ thuật hàng không - trước đó đã nhận định với báo giới rằng, nhà thầu Trung Quốc nói chung không phải là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm về xây dựng sân bay, ngay cả sân bay tại các TP lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc)... đều mời tư vấn quốc tế như Anh, Mỹ để làm. Do đó, Bộ GTVT nên chọn các công ty lớn, có kinh nghiệm để lập báo cáo nghiên cứu khả thi chứ không nên ham rẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Mùi - nguyên Tổng Giám đốc TCty Quản lý bay Việt Nam - thì cho rằng: “Tôi không biết nhiều thông tin về Geleximco và đối tác Trung Quốc Kaidi nhưng nhận định là cần cẩn thận khi chọn lựa nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc vì họ có nhiều dự án “không hay lắm” vì đội vốn chậm tiến độ và dự án sân bay Long Thành là rất lớn, rất quan trọng với kinh tế cũng như giao thông của đất nước”.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh: Nhiều tiền chưa đủ, cần nhiều kinh nghiệm “Còn quá sớm để bàn về các đề xuất như của Geleximco vì dự án sân bay Long Thành chưa nghiên cứu khả thi. Theo chuyên gia này, BOT sân bay Long Thành không giống BOT giao thông đường bộ vì quy mô lớn hơn hẳn và rất phức tạp lại liên quan tới an ninh. Do đó, nếu xây sân bay Long Thành theo hình thức PPP thì đòi hỏi nhà đầu tư phải cực kỳ nhiều kinh nghiệm vì nếu chỉ cho vay tiền thì không cần năng lực kinh nghiệm, nhưng khi chọn nhà thầu, nhà đầu tư để triển khai theo hình thức PPP thì yếu tố kinh nghiệm rất quan trọng. Trong khi đó, Cty Geleximco lẫn đối tác Trung Quốc Kaidi đều không có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng sân bay vì họ toàn làm các dự án về nhiệt điện, năng lượng. Có tiền vẫn chưa đủ, cần phải có kinh nghiệm và cần phải nghiên cứu luật, quy định, thông lệ quốc tế để làm cho đúng. K.H ghi |
KHÁNH HÒA - LINH ANH