(ĐS&PL) Vừa qua, bạn phản ánh một số khách hàng bị ngộ độc thực phẩmtại nhà hàng Sơn Hải, quận Thủ Đức (TP.HCM) phải đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng Nhà hàng đã ngang nhiên “phủi” hết trách nhiệm.
Cùng vào viện cấp cứu sau khi đi ăn về
Theo đơn phản ánh, tối ngày 20/05/2019 các khách hàng bao gồm chị Trần Thị Mỹ Diệp, chị Lộc Thị Thúy, chị Nguyễn Thị Chúc, anh Lâm Văn Nam và anh Phạm Trường Hải (cùng ngụ tại quận Thủ Đức) có đến nhà hàng Sơn Hải, địa chỉ: 173 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh ăn liên hoan. Thực đơn họ đã gọi gồm 01 con cá trình nặng gần 4kg được nhà hàng chế biến thành các món: xào lăn, nướng và nấu lẩu theo giá cả thỏa thuận. Sau khi ăn uống xong, còn dư một lượng nhỏ đồ ăn được khách hàng đóng gói mang về.
Khi ra về, đến đêm hôm đó và rạng sáng ngày 21/05, toàn bộ các thành viên trong bữa liên hoan tối hôm trước đều có dấu hiệu nghi bị ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện: đau bụng, chóng mặt, nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng buộc phải đi cấp cứu tại bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, BV Hoàn Mỹ trên địa bàn Thành phố.
Nhà hàng Hải Sơn nơi xảy ra vụ việc |
Tại BV, các bệnh nhân được chuẩn đoán bị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và phải điều trị nội trú từ 1 - 3 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Cụ thể, anh Phạm Trường Hải được chẩn đoán bị “Ngộ độc thức ăn”, chị Trần Thị Mỹ Diệp được chẩn đoán bị “Nhiễm trùng đường tiêu hóa” và “Viêm xung huyết hang vị”, chị Nguyễn Thị Chúc được chẩn đoán bị “Nhiễm trùng tiểu” và “Phản vệ độ 1 do ăn cá trình”, anh Lâm Văn Nam được chẩn đoán bị “Ngộ độc thức ăn” và chị Lộc Thị Thúy được chẩn đoán bị “Viêm dạ dày – ruột”…Chi phí điều trị và mua thuốc điều trị cho các bệnh nhân tốn kém hàng chục triệu đồng, đồng thời đã để lại nhiều di chứng nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần về sau cho các bệnh nhân.
Sau khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm nghi do sử dụng phải thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà hàng Sơn Hải, ngày 21/05 các bệnh nhân đã báo cáo vụ việc lên Trung tâm y tế dự phòng quận Thủ Đức và Công an phường Hiệp Bình Chánh để đề nghị hỗ trợ, điều tra, xác minh.
Đại diện khách hàng liên quan trực tiếp đã đến làm việc với Ban lãnh đạo nhà hàng Sơn Hải để đề nghị bồi thường một số quyền lợi liên quan đến vụ việc như: Chi trả chi phí hợp lý cho việc điều trị, hồi phục sức khỏe; Chi trả tổng thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút do ảnh hưởng đến công việc trong thời gian điều trị tại bệnh viện và dưỡng bệnh; Chi trả chi phí bù đắp do tổn hại sức khỏe và tinh thần cho từng khách hàng bị ngộ độc thực phẩm…
Trốn tránh trách nhiệm, bỏ mặc khách hàng?
Tại buổi làm việc với quản lý nhà hàng Hải Sơn, đại diện khách hàng, thay vì chủ động phối hợp làm rõ nguyên nhân giúp người bệnh sớm bình phục có có sự thăm hỏi hỗ trợ về vật chất và tinh thần an ủi nạn nhân thì Nhà hàng Hải Sơn đã tìm cách chối bỏ trách nhiệm của mình.
Đại diện Nhà hàng trình bày về sự cố không mong muốn đã để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với khách hàng. Để xảy ra tình trạng trên, các cơ quan ban ngành đã xuống làm việc với nhà hàng.
“Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ những giấy phép và thông tin liên quan đến vấn đề VSATTP đủ điều kiện hoạt động kinh doanh ăn uống. Cơ quan chức năng cho biết, không đủ điều kiện để xử phạt nhà hàng liên quan đến vấn đề VSATTP của nhà hàng”, đại diện Nhà hàng Hải Sơn cho biết.
Những thực khách bị ngộ độc bức xúc về thái độ vô trách nhiệm của Nhà hàng Hải Sơn |
Không dừng lại ở đó, phía Nhà hàng đã đổ lỗi do quá trình, đánh bắt, mua bán. Và từ đó đưa ra những lập luận nhằm thoái thác trách nhiệm: “Nếu trong sản phẩm khách hàng đã dùng (cá Chình) có độc tố có thể do quá trình đánh bắt, người mua bán, kể cả người sử dụng đều không biết được lý do từ đâu. Nếu có độc tố trong khoảng 2 tiếng là đã có triệu chứng gây ngộ độc. Khi sử dụng xong các sản phẩm tại nhà hàng khách hàng có mang theo thức ăn còn dư về nhà có thể không đảm bảo độ lạnh, độ nóng, hoặc khách hàng có thể đã sử dụng những sản phẩm khác sau đónhà hàng không thể kiểm soát được”.
Từ đó, phía Nhà hàng tự động đưa ra mức hỗ trợ cũng như sự đe dọa, thách thức khách hàng nếu không chấp nhận mức hỗ trợ mà phía Nhà hàng đưa ra:“Sau khi xin ý kiến của Ban lãnh đạo nhà hàng, chúng tôi chỉ đồng ý hỗ trợ 50% chi phí điều trị cho khách hàng.Nếu không đồng ý, khác hàng có thể trực tiếp mời các cơ quan chức năng liên quan trên phường, quận hoặc thành phố xuống để xác minh làm rõ…”.
Những người bị ngộ độc bức xúc cho biết, cho đến thời điểm này, Ban lãnh đạo nhà hàng Sơn Hải vẫn đang cố tình tìm cách “né tránh” những trách nhiệm của mình để tránh việc phải đền bù thiệt hại cho họ.
Giấu đầu...hở đuôi!
Để rõ những nội dung do khách hàng nêu trên nhằm có cái nhìn khách quan đa chiều, chiều ngày 14/6, PV báo Đời sống & Pháp luật đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Phong, quản lý trực tiếp Nhà hàng Hải Sơn.
Tại đây ông Phong khẳng định: “Tối hôm 21/5 nhóm người chị Chúc có đến quán dùng bữa và gọi 1 con cá chình nặng 3,9kg, nhưng nếu nói rằng việc thực khách ngộ độc do ăn cá Chình của nhà hàng là không có cơ sở…”.
Ông Phong lý giải có nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến khách hàng bị ngộ độc chứ không riêng gì việc sử dụng món cá chình tại nhà hàng như: bảo quản cá chình ăn thừa không đúng cách sau đó sử dụng lại, ăn các món ăn khác trước hoặc sau khi đến nhà hàng…
Ngoài ra ông Phong cũng cho biết thêm, khi sự việc xảy ra nhóm người bị ngộ độc không có ai liên hệ với nhà hàng, mãi cho đến khi họ đi cấp cứu do quen biết phía nhà hàng mới biết chuyện và có chủ động lên bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện Gia Định để thăm hỏi những người bị ngộ độc. Đồng thời ông Phong cũng xác nhận rằng, phía nhà hàng cũng đã có động thái đồng ý “hỗ trợ” những khách hàng nói trên.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong trao đổi với PV, đại diện nhà hàng Hải Sơn một mực phủ nhận nguyên nhân ngộ độc của khách hàng là do ăn món cá chình ở nhà hàng là “không có cơ sở”. Vậy tại làm sao đại diện nhà hàng lại lên thăm những thực khách bị ngộ độc và có động thái đồng ý hỗ trợ họ…?!
Điều đáng nói, khi PV yêu cầu phía nhà hàng cung cấp những thông tin liên quan đến việc kiểm dịnh vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm nguồn gốc của thực phẩm (cá Chình) thì quản lý nhà hàng từ chối và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.
“Toàn bộ quá trình nhập hàng hóa do chủ đầu tư (chủ nhà hàng) trực tiếp phụ trách, quản lý nhà hàng chỉ có trách nhiệm bán hàng, phục vụ và chăm sóc khách hàng. Nếu muốn tìm hiểu thêm thì các anh phải làm việc với chủ đầu tư…”, ông Phong lý giải.
Vậy khách hàng trước khi sử dụng những món ăn ở đây muốn được biết nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận an toàn thực phẩm hay cơ quan chức năng muốn kiểm tra việc chấp hành nội dung này lại chờ đợi hay phải phải đi gặp chủ đầu tư của nhà hàng mới được hay sao?
Điều này là hoàn toàn không phù hợp với những quy định về công khai thông tin, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã được quy định tại Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức về những nội dung có liên quan đến vụ việc trên.
Nhóm PV/Sức Khỏe 365