(ĐSPL) - Theo quy định của luật, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân. Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân.
Theo quy định tại mục 4, phần I của Thông tư số 04/1999/TT-BCA ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ – CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân có quy định: “Chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một chứng minh nhân dân và có một số chứng minh nhân dân riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất chứng minh nhân dân thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy chứng minh nhân dân khác nhưng số ghi trên chứng minh nhân dân vẫn giữ đúng theo số ghi trên chứng minh nhân dân đã cấp”.
Theo quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ – CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ và Thông tư số 04/1999/TT - BCA ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân để được cấp đổi lại chứng minh nhân dân, công dân phải có: Đơn trình bày rõ lý do đổi chứng minh nhân dân, có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và có đóng dấu giáp lai; xuất trình Hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu gia đình hoặc chứng minh nhân dân tập thể).
Thời hạn sử dụng chứng minh nhân dân là bao lâu? - Ảnh minh họa |
Cấp, đổi, sử dụng chứng minh nhân dân như thế nào khi thi hành Luật Căn cước công dân?
Luật Căn cước công dân được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014) quy định việc sử dụng thẻ căn cước công dân và có hiệu lực từ năm 2016. Vậy giấy chứng minh nhân dân hiện nay sẽ được cấp, đổi và sử dụng như thế nào trong thời gian tới?
Luật Căn cước công dân quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đáng chú ý là việc thống nhất sử dụng căn cước công dân thay cho giấy chứng minh nhân dân (là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của luật này).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sở dĩ đổi thẻ căn cước công dân thay cho giấy chứng minh nhân dân như lâu nay vẫn sử dụng là bởi tên gọi thẻ căn cước công dân phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới sử dụng tên gọi căn cước công dân. Quy định về thẻ căn cước công dân gắn với số định danh cá nhân được in trên thẻ và có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa như luật cũng phù hợp với mục tiêu tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử và xây dựng Chính phủ điện tử đã xác định trong Đề án 896. Tuy nhiên, để tránh việc gây xáo trộn trong công tác quản lý nhà nước, khắc phục những phiền hà, phát sinh các chi phí đối với công dân trong việc sử dụng các loại giấy tờ, biểu mẫu đã được phát hành trước ngày luật này có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định chuyển tiếp để bảo đảm giá trị sử dụng của các loại giấy tờ, biểu mẫu đã được phát hành trước ngày luật này có hiệu lực.
Theo quy định tại Điều 38 về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp, Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019. Đối với địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật. Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể việc thực hiện luật này trong thời gian chuyển tiếp từ khi luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2019.
Như vậy, trong năm 2015, các địa phương vẫn cấp, đổi giấy chứng minh nhân dân như hiện hành. Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, tại những địa phương đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, nhân, vật lực thì bắt đầu thực hiện việc cấp, đổi thẻ căn cước công dân theo luật mới. Đối với địa phương chưa đủ điều kiện thì được hoãn đến chậm nhất đầu năm 2020 phải thực hiện theo quy định mới. Các giấy tờ chứng minh nhân dân vẫn có giá trị sử dụng bình thường đến hết thời hạn quy định. Như vậy, giả sử giấy chứng minh nhân dân được cấp năm 2014 thì thời hạn sử dụng là 15 năm, tức đến 2029. Trong thời gian đến 2029, giấy chứng minh nhân dân được sử dụng bình thường và nếu người sử dụng có nhu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân (không bắt buộc).
Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo. Đây là điểm khác so với quy định giá trị sử dụng chứng minh nhân dân hiện hành (thời hạn 15 năm).
Luật giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Bộ Công an ban hành, phối hợp ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân...
Về số định danh cá nhân, theo quy định được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Chính phủ quy định cấu trúc số định danh cá nhân; trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
[mecloud]cZPM1TXJZu[/mecloud]