Là loại rau quen thuộc với nhiều người Việt, ngải cứu có thể được sử dụng để nấu ăn, sắc nước uống, làm thành túi chườm hoặc làm điếu ngải để cứu ấm. Trong đông y, rau ngải cứu có vị cay đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, với công dụng tán hàn thấp, làm ấm cơ thể và cầm máu.
Ngoài ra, ngải cứu còn chứa nhiều tinh dầu, cùng các thành phần Flavonoid, Coumarin... có tác dụng giảm cơn đau nhức ở khớp bị viêm. Muối cũng có thể giảm viêm do có tính sát trùng.
Về gừng, trong đông y, loại củ này có tính nóng, sẽ sinh nhiệt khi tiếp xúc với da, tác động trực tiếp đến các mô mỡ, làm mềm và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Đáng chú ý, gingerol và shogaol trong củ gừng hoạt động như chất ức chế béo tự nhiên, thúc đẩy quá trình phân hủy chất béo diễn ra nhanh hơn.
Dùng gừng, muối, ngải cứu làm túi chườm nóng
Rửa sạch 400g ngải cứu tươi (không cần bỏ các cuống và lá già vì đây là phần chứa nhiều tinh chất có tác dụng tốt), rồi để ráo nước, cắt khúc, rang trên bếp cùng khoảng 2 nắm tay muối hột.
Có thể thêm khoảng 400g gừng già để tăng tính ấm của túi chườm. Lưu ý, gừng rửa sạch, cắt sợi dày rồi trộn chung với hỗn hợp ngải cứu, muối hột.
Sau đó, lấy khăn mềm bọc lại, để cho nguội bớt, rồi đắp lên vùng khớp bị đau. Nhấc lên khi cảm thấy da vừa đủ nóng, rồi tiếp tục chườm cho tới khi nguội. Bạn có thể chườm 2-3 lần mỗi ngày.
Khi túi chườm nguội hẳn, tái sử dụng bằng cách đổ hỗn hợp lá ngải cứu, muối hột ra chảo rang lại hoặc dùng lò vi sóng làm nóng lại.
Nếu bị đau tại vùng khớp vai hoặc thắt lưng, có thể dùng thêm một tấm khăn mỏng có độ dài phù hợp, bọc lại túi chườm rồi cột vào vùng cần chườm nhưng cần chú ý để độ nóng ở mức vừa phải.
Nếu bị đau khớp gối chân hoặc cổ tay, có thể quấn khăn xung quanh. Trong trường hợp bị đau ở khớp háng, bạn hãy nằm nghiêng và đặt tú chườm hỗn hợp gừng, muối, ngải cứu lên khung xương chậu.
Phương pháp chườm ngải cứu rất lành tính nên có thể sử dụng được lâu dài. Tuy nhiên, không nên dùng khi có vết thương hở để tránh bị tổn thương rộng hoặc nặng hơn.
Ngoài ra, không nên chườm túi chườm gừng, muối, ngải cứu vào các vùng da bị trầy xước, lở loét, mụn nhọt, các tổn thương ngứa rát da và vùng có giãn tĩnh mạch.
Người đang sốt hoặc khớp bị sưng nóng đỏ đau không nên chườm, kẻo lợi bất cập hai. Người bị mất cảm giác cũng không nên sử dụng phương pháp này vì có thể gây bỏng da.
Giảm mỡ bụng bằng gừng, muối rang, ngải cứu
Về nguyên liệu, cần chuẩn bị 2kg muối hạt, 500g rau ngải cứu, 4 củ gừng tươi, 2 củ nghệ và một chiếc túi vải.
Về cách làm, đầu tiên cần rửa sạch rau ngải cứu, gừng và nghệ gọt vỏ rồi cũng mang rửa sạch. Sau khi ngải cứu, gừng, nghệ ráo nước, đem tất cả đi xay nhuyễn.
Cho các nguyên liệu vừa sơ chế và muối vào chảo, rang khô rồi dừng lại, đợi khoảng 10 phút thì đổ hỗn hợp vào túi vả, buộc kín miệng và chườm nóng trên vùng bụng cần giảm mỡ.
Bạn chườm hỗn hợp gừng, muối rang, ngải cứu khoảng 20 - 30 phút một lần. Có thể cất hỗn hợp đó đi và rang nóng lại vào hôm sau để tái sử dụng. Hỗn hợp này có thể tái sử dụng trong vòng 1 tuần.
Một cách khác để làm hỗn hợp muối gừng giúp giảm mỡ bụng là giã sơ hoặc thái lát củ gừng tươi, tiếp đó sao vàng cùng muối hạt và lá ngải cứu thái sơ.
Cho tất cả vào một chiếc túi mỏng để chườm lên bụng từ 2 - 3 lần mỗi ngày. Lưu ý, bạn có thể làm nóng trở lại để sử dụng nhiều lần.
Đinh Kim(T/h)