(ĐSPL) - "Có cơ sở dùng chất kích thích, chất tạo nạc để cho heo tăng trọng lượng lên 130kg, thậm chí 150kg rồi giả làm thịt bò để bán ra thị trường kiếm lời", ông Bình cho biết.
Thịt heo "tẩm" chất tạo nạc: Người dân vẫn thờ ơ trước nguy hiểm
Trao đổi trên báo Dân trí, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, người được mệnh danh là “Vua nuôi heo” cho biết, hiện có nhiều trang trại vì lợi nhuận mà đã dùng chất cấm, chất tạo nạc để nuôi heo… siêu tốc.
Ông Bình cho rằng, nếu nuôi heo đàng hoàng thì phải chọn giống tốt nhưng nuôi heo bằng chất tạo nạc thì không cần quan tâm tới yếu tố này. Thường thì nuôi heo đạt đến trọng lượng 100kg đã quá khó nhưng với những trang trại nuôi heo bằng “công nghệ” chất cấm, chất tạo nạc, trọng lượng heo có thể đạt đến 200kg.
“Loại heo này chỉ thở chứ không ăn bởi đã được tẩm thuốc kích thích như ma túy vào rồi”, ông Bình nói.
“Điều nguy hiểm là hiện có trường hợp mua heo đến tuổi xuất chuồng, nặng khoảng 100 kg từ những trang trại uy tín về và dùng chất kích thích, chất tạo nạc để cho heo tăng trọng lượng lên 130kg, thậm chí 150kg rồi giả làm thịt bò để bán ra thị trường kiếm lời”, ông Bình cho biết thêm.
Chất tạo nạc cho heo hiện nay được sử dụng nhiều nhất có tên gọi là Clenbuterol và Salbutamol. Nguồn gốc chất cấm này xuất phát từ Trung Quốc và đến tay người nuôi heo bởi các thương lái.
Heo ăn chất tạo nạc thường nằm, ngủ li bì vì chất này làm xương giòn khiến heo khuỵu chân, thậm chí gãy. |
Thị trường tiêu thụ của heo “tẩm” chất tạo nạc hầu hết ở các thành phố lớn. Theo ông Bình, người ăn phải loại thịt heo này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như co giật, các bệnh về tim mạch và sâu xa hơn là ảnh hưởng đến giống nòi. Tuy nhiên, do chưa có nạn nhân điển hình nào khi ăn thịt heo có chất tạo nạc nên dẫn đến việc người dân coi thường tác hại.
“Vua nuôi heo” cho biết, bằng mắt thường cũng có thể phân biệt được heo nào là heo nuôi thông thường và heo nuôi có sử dụng chất tạo nạc.
“Nhìn con heo sử dụng thuốc là biết ngay. Cần gì phải lấy mẫu thịt, mẫu nước tiểu xét nghiệm cho nhiêu khê. Với kinh nghiệm của người làm ngành thú y thì chỉ bằng mắt thường cũng có thể nhìn con heo là biết có chất tạo nạc hay không. Tôi chắc chắn các ông thú y nhìn là biết”, ông Bình nói.
Cách nhận biết thịt heo có chứa chất tạo nạc "bến" thành thịt bò
Ai hay mua thịt bò chắc hẳn sẽ thấy loại thịt bò tươi ngon khi được thái mỏng sẽ cảm giác như dính lấy lưỡi dao của người thái. Còn thịt lợn hay thịt trâu giả bò thì độ dính sẽ ít hơn rất nhiều, cảm thấy miếng thịt bở và cứng. Cũng có thể thử bằng cách ấn nhẹ tay vào miếng thịt, bạn sẽ cảm nhận điều trên rõ nét hơn.
Người tiêu dùng ăn phải loại thịt heo có chất tạo nạc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như co giật, các bệnh về tim mạch và sâu xa hơn là ảnh hưởng đến giống nòi. |
Theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, để chọn được các loại thịt heo an toàn, người tiêu dùng cần lưu ý:
- Chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô.
- Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
- Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn không để lại vết lõm, dính.
- Không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, chúng ta có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết thịt có sử dụng chất tạo nạc:
- Thịt heo sử dụng chất tạo nạc có lớp mỡ mỏng (dưới 1 cm), da căng, mỏng bất thường, màu đỏ đậm như màu thịt bò. Lớp mỡ của heo nuôi bình thường dày từ 1,5-2 cm.
- Khi thái nếu miếng thịt mềm, không đứng vững được.
- Phần liên kết giữa phần nạc và phần mỡ tách rời rõ rệt, thường có dịch vàng rỉ ra.
- Khi ăn thường có cảm giác khô, không có vị béo của thịt.
Bên cạnh các loại thịt có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, thịt lợn trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều loại được tạo bằng các giống heo cao nạc hoặc giống siêu nạc và có giá trị dinh dưỡng cao. Mặc dù thường rất khó để phân biệt đâu là thịt heo từ giống siêu nạc với thịt heo được nuôi bằng chất tạo nạc.
Tuy nhiên, khi mua người tiêu dùng quan sát để chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt.
Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ có màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch cần phải không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]AZRlA83v24[/mecloud]