Vnexpress dẫn lời bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, cho biết thịt chim bồ câu được xem là "thượng phẩm" bồi bổ sức khỏe bởi chứa rất nhiều dinh dưỡng. 100 g thịt bồ câu chứa 142 kcal, 7,5 g chất béo và 17,5 g protein, bên cạnh các vitamin và khoáng chất.
Sách Thực liệu thảo mộc của nhà Đường (Trung Quốc) ghi chép nhiều về công dụng của chim bồ câu và dân gian có lời ví von rằng "một con chim bồ câu bổ gấp 9 lần thịt gà". Tuy nhiên, sự so sánh này đã cường điệu, phóng đại về chim bồ câu và so sánh chưa thật sự hợp lý, bởi mỗi loài đều có những giá trị dinh dưỡng riêng.
Hiện, chưa có nghiên cứu chính thức nào chỉ ra thịt bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao hơn thịt gà.
Xét về thành phần dinh dưỡng cho thấy, thịt bồ câu có hàm lượng protein và chất béo ít hơn so với thịt gà, nhưng lại giàu chất khoáng và vitamin, nhất là vitamin B12, selen, axit folic, riboflavin hơn.
Công dụng của chim bồ câu
Thịt chim bồ câu làm món ăn và làm thuốc rất tốt. Nó chứa các chất dinh dưỡng phong phú mà cơ thể cần, tác dụng bồi bổ sức khỏe. Người sau phẫu thuật, ăn thịt chim bồ câu sẽ thúc đẩy cơ thể hồi phục tốt hơn, có thể tăng cường thể lực, tiêu trừ mệt mỏi.
Thịt chim bồ câu rất giàu collagen, có thể giúp chúng ta đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương và phục hồi cơ thể. Hơn nữa do hàm lượng chất béo thấp, khả năng tiêu hóa cao, nên ăn thịt chim bồ câu vừa bổ sung dinh dưỡng tốt, vừa không làm tăng mỡ máu và đường huyết. Nó đặc biệt thích hợp cho người suy dinh dưỡng, người già, người muốn bồi bổ sức khoẻ, tăng sức đề kháng, phụ nữ sau sinh và bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Thịt bồ câu chứa nhiều nguyên tố khoáng, đặc biệt là sắt. Bệnh tật hoặc sau phẫu thuật khiến bệnh nhân thiếu máu, bổ sung thực phẩm chứa sắt trong chế độ ăn giúp nâng cao chức năng tạo máu của cơ thể, phòng ngừa và cải thiện hiệu quả thiếu máu do thiếu sắt. Đối với một số phụ nữ, nếu trong kỳ kinh nguyệt mất máu nhiều, dẫn đến các triệu chứng thiếu máu trầm trọng, sắc mặt trở nên nhợt nhạt, không có huyết sắc, thì có thể ăn thịt chim bồ câu để phát huy tác dụng bổ máu.
Hàm lượng chondroitin trong thịt chim bồ câu tương đối cao, có thể giúp chúng ta bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, khí huyết lưu thông, tăng cường chức năng cơ thể, tăng sức sống cho tế bào da. Tăng cường độ đàn hồi cho da nên có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa và làm đẹp. Thịt chim bồ câu rất giàu collagen hỗ trợ tốt nhất quá trình phát triển của các tế bào nang tóc.
Thịt bồ câu rất giàu cephalin, vitamin A, B, E, canxi và sắt, có thể cải thiện quá trình trao đổi chất và đổi mới tế bào não, cải thiện sức sống của não, giúp chúng ta cải thiện trí nhớ và giúp phát triển trí não. Với người lao động trí óc, có thể bổ sung thêm cháo chim bồ câu vào thực đơn.
Trong y học cổ truyền, chim bồ câu được dùng với tên thuốc là cáp điểu hay gia cáp gồm thịt chim (cáp điểu nhục), tiết chim (cáp điểu huyết), trứng chim (cáp điểu noãn). Thịt bồ câu tính bình, vị mặn, tác dụng bổ thận kiện tỳ vị, ích khí huyết. Dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, khí huyết hư, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt, phụ nữ huyết hư tắc kinh, người chuẩn bị mang thai, theo VTC News.
Công dụng của thịt gà
Thịt gà là loại thực phẩm cung cấp chất đạm dồi dào, ít chất béo. Do đó, đây là thực phẩm ưu tiên sử dụng khi người dùng muốn phát triển cơ bắp và giảm cân lành mạnh, lâu dài.
Trong thịt gà có hàm lượng của axit amin tryptophan rất cao. Nếu bạn đang có triệu chứng trầm cảm hãy thưởng thức những món ăn từ thịt gà, vì thịt gà có tác dụng làm tăng nồng độ serotonin trong não, giúp cải thiện tâm trạng.
Thịt gà cũng được chứng minh giúp ngừa bệnh viêm khớp cũng như các bệnh liên quan đến xương. Vì vậy, trong khẩu phần ăn mỗi ngày nên thêm các món như gà hầm, canh gà,... sẽ giúp cải thiện tình trạng trên.
Axit amin homocysteine có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe tim mạch. Ăn nhiều thịt gà có thể kiểm soát và ngăn chặn hàm lượng loại axit amin này, bảo vệ trái tim và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, trong thịt gà có các chất dinh dưỡng như phốt pho và canxi, tác dụng giúp xương và răng phát triển một cách khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng loãng xương cùng các bệnh về răng. Nhờ đó, hệ cơ xương có thể tránh được các nguy cơ chấn thương do ngoại lực tác động.
Thịt gà giàu selenium, loại khoáng chất cần thiết giúp cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Các đặc tính này giúp hỗ trợ giảm cân cũng như tránh xa các loại bệnh tật.
Vitamin B6 có trong thịt gà làm thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tiêu hóa thức ăn mà không giữ lại hàm lượng chất béo và giúp giảm cân hiệu quả. Niacin có trong thịt gà là một vitamin thiết yếu giúp chống lại ung thư. Do đó, nếu thường xuyên ăn thịt gà sẽ bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương di truyền cũng như ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Thịt gà rất giàu retinol, alpha và beta-carotene, lycopene có nguồn gốc từ vitamin A, vì thế rất tốt cho sức khỏe của mắt. Thành phần chất dinh dưỡng trong thịt gà còn có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư ruột rất hiệu quả. Trong thịt gà có chứa ít chất béo (thường gặp ở lớp da của gà) nên ít gây áp lực cho hệ tiêu hóa, giúp cho dạ dày hoạt động hiệu quả và an toàn, nhờ vậy ngăn chặn được mọi nguy cơ gây bệnh ung thư nguy hiểm cho cơ thể.
Lưu ý khi ăn thịt chim bồ câu
- Những người bị sốt, có thể chất nóng trong không thích hợp ăn thịt chim bồ câu.
- Không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu, có thể gây nóng trong người, tăng nội nhiệt và béo lên. Chỉ cần ăn theo dịp hoặc mỗi tuần 1-2 con. Những người bị dị ứng với thịt chim hoặc những người có bệnh tim, huyết áp cao nên hạn chế ăn cả da và mỡ của chim vì chứa nhiều chất béo và cholesterol.
- Người mắc bệnh về gan, đặc biệt là viêm gan cấp tính không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu.
- Ăn chim bồ câu cùng với tôm, cá diếc có thể gây dị ứng; ăn cùng với gan heo, thịt heo, nấm đầu khỉ có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Lưu ý khi ăn thịt gà
- Theo các chuyên gia, những người mắc bệnh về huyết áp hay tim mạch thì nên hạn chế ăn thịt gà, nhất là phần da. Trong lớp da gà có chứa hàm lượng cholesteron và mỡ cao không tốt cho sức khỏe của những người đang mắc bệnh này.
- Không nên ăn thịt gà sau khi phẫu thuật bởi thịt gà sẽ rất dễ dẫn đến các hiện tượng sưng, mưng mủ ở vết thương đồng thời khiến da lâu lành và dễ bị viêm nhiễm hơn. Đặc biệt, với các vết thương hở, nếu không được chăm sóc đúng cách thì rất dễ để lại sẹo lồi.
- Người bị bệnh thủy đậu nên kiêng ăn thịt gà nhất là phần da gà bởi nó rất dễ gây ngứa ở các nốt thủy đậu và rất dễ để lại sẹo sau khi hết bệnh.
- Thịt gà có rất nhiều dưỡng chất nhưng những người có vấn đề về tiêu hóa nên phải tránh xa thực phẩm này. Bởi ăn quá nhiều thịt gà rất khó tiêu.
- Khi bị bệnh sỏi thận, bạn cũng nên tránh xa hoặc kiêng ăn loại thịt thơm ngon này. Bởi thịt gà là loại thực phẩm rất giàu protein nên sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên và hình thành các loại sỏi.
Gợi ý một số món ăn, bài thuốc từ chim bồ câu
Bồ câu hầm thuốc bắc chữa suy nhược cơ thể: Thịt chim bồ câu hai con, hoài sơn 15 g , long nhãn 10 g, mộc nhĩ trắng 10 g, hạt sen 15 g, đông trùng hạ thảo 15 g, một ít gừng và đường phèn cho vào tô, sau đó đổ nước sôi vào gần đầy thì đậy lại, hầm cách thủy trong ba giờ.
Thịt chim bồ câu non một con chặt nhỏ, hoàng kỳ 30 g, câu kỷ tử 30 g phơi khô, thái nhỏ, trộn đều, thêm nước, hấp cách thủy cho chín nhừ, thêm gia vị, ba ngày ăn một lần, dùng 3-5 lần, tác dụng tăng cường khí huyết, bổ tỳ.
Bồ câu hầm hạt sen, tác dụng dưỡng nhan, chăm sóc da mịn khỏe, hồng hào.
Bác sĩ lưu ý ăn quá nhiều thịt chim bồ câu có thể gây nóng, tăng nội nhiệt và béo lên. Liều lượng thích hợp là 1-2 con một tuần, hoặc theo đợt cần bồi bổ. Những người bị sốt, có thể chất nóng không thích hợp ăn thịt chim bồ câu. Người bị dị ứng với thịt chim hoặc người có bệnh tim, huyết áp cao nên hạn chế ăn cả da và mỡ. Người mắc bệnh gan, đặc biệt là viêm gan cấp tính không nên ăn nhiều thịt chim bồ câu.
Ăn chim bồ câu cùng tôm, cá diếc có thể gây dị ứng; ăn cùng gan heo, thịt heo, nấm đầu khỉ có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Thùy Dung(T/h)