+Aa-
    Zalo

    “Thiến hóa học” với tội phạm ấu dâm để bảo vệ trẻ em

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các vụ ấu dâm bị phanh phui trong thời gian vừa qua khiến dư luận phẫn nộ, vấn đề có nên "thiến hóa học" đối với tội phạm ấu dâm hay không vẫn là một câu hỏi lớn?

    Các vụ ấu dâm bị phanh phui trong thời gian vừa qua khiến dư luận phẫn nộ, vấn đề có nên "thiến hóa học" đối với tội phạm ấu dâm hay không vẫn là một câu hỏi lớn?

    “Thiến hóa học” là để bảo vệ trẻ em

    Liên quan đến đề xuất "thiến hóa học" đối với tội phạm ấu dâm, luật sư Lê Văn Luân ( Hà Nội) cho biết, về mặt sinh lý học thì việc "ái nhi" (tức có cảm xúc tính dục với trẻ em) giống như một loại bệnh lý mà chỉ cần có cơ hội (môi trường, hoàn cảnh) là sẽ dẫn đến việc thực hiện hành vi.

    Luật sư Lê Văn Luân (Hà Nội).

    Nếu muốn ngăn chặn hành vi buộc lòng phải "triệt" ham muốn này bằng chính biện pháp có nguồn gốc sinh lý học của nó.

    “Vấn đề đảm bảo quyền con người, luôn có giới hạn đối với mỗi cá nhân, tuy nhiên, quyền con người còn phải được bảo vệ dựa trên cơ sở không bị đe dọa hay xâm hại từ người khác.

    Do vậy, việc “thiến hóa học” cũng là để đảm bảo quyền được bảo vệ, quyền bất khả xâm phạm của trẻ em về thân thể, nhân phẩm, danh dự và tính mạng, sức khỏe. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là loại tội đặc biệt vì khả năng tái phạm nhiều lần không thể kiểm soát được.” – Luật sư Luân nói.

    Ngoài ra, cũng theo luật sư Luân, sở dĩ hiện nay tình trạng xâm hại tình dục trẻ em xảy ra nhiều và có diễn biến phức tạp là do sự lỏng lẻo trong quy định pháp luật và thiếu chế tài xử lý.

    Hành vi “dâm ô” vẫn còn chưa được cụ thể và phân loại thành các mức độ khác nhau, nên đã gây khó khăn trong việc xử lý hình sự và thủ tục tố tụng đối với chứng cứ liên quan đến tội danh “Dâm ô với trẻ em” (Điều 116 BLHS 1999, nay là Điều 146 BLHS 2015).

    Những hành vi “dâm ô” quấy rối tình dục, mang tính “thể chất” tác động trực tiếp vào cơ thể của nạn nhân có thể không để lại dấu vết trên cơ thể nhưng để lại tổn thương sâu sắc về tinh thần với nạn nhân.

    “Việc “chờ đợi” để đòi hỏi chắc chắn về mặt chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố được người thực hiện hành vi “dâm ô” là một thiếu sót vô cùng nghiêm trọng đối với hệ thống pháp luật hình sự của Việt Nam” – Luật sư Luân cho biết thêm.

    Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, những người mắc phải bệnh lý ấu dâm chỉ có xu hướng tình dục đối với trẻ em. Là đối tượng dễ bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần nên việc đưa ra biện pháp “thiến hóa học” là cần thiết.

    “Ấu dâm là một dạng bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến suốt đời, rất khó để điều trị dứt điểm, liệu pháp tâm lý chắc chắn không thay đổi được bản năng tình dục. Nên theo tôi áp dụng hình thức “thiến hóa học” là cần thiết, tuy nhiên cần cẩn trọng khi thực hiện.” – Tiến sĩ Quang nói.

    Vấn đề "nhân quyền" đối với tội phạm ấu dâm 

    Nhiều luật sư cho rằng việc tác động trực tiếp vào tội phạm ấu dâm có thể phá vỡ nguyên tắc bình đẳng của pháp luật Việt Nam, cũng như rối loạn tâm sinh lý của con người.

    Tội phạm có thể bị mất quyền tự do và một số quyền công dân khác trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng không có nghĩa là họ bị tác động về thân thể.

    Tội phạm ấu dâm có đặc thù tái phạm nhiều lần không thể kiếm soát được nên việc "thiến hóa học" được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết. Ảnh: internet.

    Luật sư Lê Đức Thọ - Văn Phòng Luật sư Cao Đạt (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, việc sử dụng một hình phạt mang tính “hướng thần” sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm hạn chế năng lực hành vi của người phạm tội khi hòa nhập cộng đồng.

    Theo luật sư Thọ, Bộ Luật hình sự hiện hành đã quy định rõ các tội phạm và hình phạt liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em tại các “Điều 112 – Tội hiếp dâm trẻ em”, “Điều 114 – Tội cưỡng dâm trẻ em”, “Điều 115 – Tội giao cấu với trẻ em”, “Điều 116 – Tội dâm ô với trẻ em”.

    "Cần lưu ý thêm đây là tội phạm đặc thù nên ngoài việc chịu các khung hình phạt quy định trong Bộ luật hình sự khi trở lại hòa nhập cộng đồng họ còn bị chịu ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa của người Việt, do vậy họ sẽ bị “tách ly” về cả cuộc sống và sinh hoạt trong cộng đồng…

    Do vậy tôi cho rằng đề xuất “thiến hóa học” không nên áp dụng trong thực tế" - luật sư Thọ nói.

    Theo luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu cho rằng, tội phạm ấu dâm là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em.

    “Tội phạm dâm ô đối với trẻ em thường ít để lại dấu vết, nạn nhân càng nhỏ tuổi thì việc thu thập chứng cứ lại càng khó khăn hơn. Với những trường hợp này, để thu thập chứng cứ, tiến tới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố, xét xử là cả vấn đề phức tạp

    Tuy nhiên, nguyên tắc của pháp luật Việt Nam đó là sự bình đẳng, ngoài hình phạt cao nhất là loại loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội (án tử hình) đối với người phạm tội danh đặc biệt nghiêm trọng thì các loại tội phạm khác đều bình đẳng. ” – Luật sư Thiệp cho biết.

    Hệ thống pháp luật của chúng ta là dựa trên cơ sở giáo dục, rồi mới đến các biện pháp khác. Nếu một người bị quyết định tác động lên thân thể họ thì chúng ta lấy gì đảm bảo họ sẽ không bị rối loạn về tâm lý và thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội?

    Trước đó, trong buổi toạ đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng”, chiều 14-3 tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em với mục đích ngăn chặn khả năng tái phạm.

    Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự chú ý của cộng đồng, các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

    Thanh Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thien-hoa-hoc-voi-toi-pham-au-dam-de-bao-ve-tre-em-a209713.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan