+Aa-
    Zalo

    Ủng hộ đề xuất “thiến hóa học” với tội phạm ấu dâm tại Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng ủng hộ đề xuất “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em ở Việt Nam nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.

    Nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng ủng hộ đề xuất “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em ở Việt Nam nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm.

    Hàng nghìn vụ xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm

    Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trong 5 năm từ 2012 đến 2016, trên cả nước ghi nhận gần 10 nghìn vụ xâm hại tình dục ở các mức độ khác nhau.

    Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận 805 vụ xâm hại tình dục trẻ em trên cả nước, trong đó xác định 881 đối tượng là thủ phạm.

    Trước thực trạng nêu trên, tại buổi toạ đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” mới đây tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp (Hà Nội) đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến” hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em với mục đích ngăn chặn khả năng tái phạm.

    Đề xuất “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm - Hình minh họa/ Nguồn: Internet

    Theo luật sư Điệp, trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng phương pháp này, trong khu vực châu Á hiện có Indonesia và Hàn Quốc, ở châu Âu, các nước Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan… đều đã dùng biện pháp “thiến hóa học” để những tên “yêu râu xanh” ấu dâm không thể tiếp tục hành vi phạm tội.

    Theo nghiệp vụ của ngành y tế, “thiến hóa học” là biện pháp tiêm loại hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone vào kẻ phạm tội khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm thấp, từ đó làm triệt tiêu những nhu cầu ham muốn về tình dục.

    Tuy nhiên, cần hiểu đúng là thuốc không có tác dụng vĩnh viễn! Người bị “thiến hóa học” sẽ phải có lộ trình sử dụng thuốc hàng tháng và có khả năng tái phạm nếu ngưng sử dụng thuốc.

    Vấn đề đặt ra ở đây là: phương pháp này có thực sự đạt hiệu quả? Và cần những điều kiện gì để có thể áp dụng được tại Việt Nam?

    Khó khăn nhưng phải tìm ra biện pháp

    Trao đổi với ĐS&PL về đề xuất này, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý đã lên tiếng ủng hộ, tuy rằng việc thực hiện trên thực tế sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn.

    Theo tiến sĩ Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, “thiến hóa học” đối với tội phạm ấu dâm là cần thiết để tránh những câu chuyện đau lòng xảy ra như trong thời gian vừa qua.

    Tuy nhiên theo tiến sĩ Hồng, cần phân biệt rõ đâu là những người có xu hướng tình dục đối với trẻ em, những đối tượng nào có nguy cơ trở thành tội phạm ấu dâm tránh tình trạng xử phạt oan sai. Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp “thiến hóa học” cũng cần cân nhắc những hệ lụy có thể xảy đến với xã hội.

    “Đây là một biện pháp rất tốn kém về kinh tế vì không phải chỉ thực hiện một lần mà giải quyết dứt điểm được. Hơn nữa nó có thể để lại nhiều hậu quả, hệ lụy đối với sức khỏe, tâm lý của những người bị xử phạt và cộng đồng xung quanh. Chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng đến các vấn đề có thể gặp phải trước khi thực hiện” – Tiến sĩ Hồng nói.

    Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết thêm, những người mắc phải bệnh lý ấu dâm chỉ có xu hướng tình dục đối với trẻ em.

    Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm vì các trẻ ở độ tuổi thiếu nhi sau khi bị xâm hại rất dễ bị sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến cả cuộc đời, cần xác định thận trọng tính chất, mức độ của hành vi để đưa ra cách xử lý đúng đắn.

     Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

    “Ấu dâm là một dạng bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến suốt đời, rất khó để điều trị dứt điểm, liệu pháp tâm lý chắc chắn không thay đổi được bản năng tình dục. Nên theo tôi áp dụng hình thức “thiến hóa học” là cần thiết, tuy nhiên cần làm rõ một số vấn đề trước khi thực hiện.

    Đầu tiên, cần làm rõ khung xử phạt, đâu là đối tượng “ấu dâm” cần phải triệt tiêu ham muốn tình dục lệch lạc. Tiếp đến cần làm rõ thẩm quyền của cơ quan nào sẽ được quyết định “thiến hóa học” vì các quốc gia trên thế giới từng áp dụng có hệ thống pháp luật khác Việt Nam” – Tiến sĩ Quang cho biết.

    Có thể thấy, việc triệt tiêu ham muốn tình dục lệch lạc của các đối tượng ấu dâm có tính cấp thiết cao, được các chuyên gia cũng như cộng đồng ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất được đặt ra là lộ trình, cũng như những điều kiện cụ thể để phương pháp này đi vào thực tiễn vẫn cần câu trả lời của những nhà chuyên môn.

    Thanh Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ung-ho-de-xuat-thien-hoa-hoc-voi-toi-pham-au-dam-tai-viet-nam-a209582.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan