+Aa-
    Zalo

    Thị trường bất động sản ảm đạm năm 2023: Trung bình 3 doanh nghiệp địa ốc giải thể mỗi ngày

    (ĐS&PL) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023 có gần 1.300 doanh nghiệp bất động sản giải thể.

    Theo tạp chí Nhà đầu tư, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89.100 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Trung bình, 1 tháng có đến 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

    thi truong bat dong san am dam nam 2023 3 doanh nghiep dia oc giai the moi ngay
    Năm 2023 có gần 1.300 doanh nghiệp bất động sản giải thể.

    Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 4.725 doanh nghiệp thành lập mới, giảm đến 45% so với năm 2022. Số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 7,7% so với cùng kỳ với 1.286 doanh nghiệp.

    Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, 2 quý đầu năm, thị trường bất động sản chứng kiến sự "ra đi" của hàng loạt doanh nghiệp. Sang quý III, tình hình sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản đã có dấu hiệu được cải thiện.

    Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. "Từ nay đến nửa đầu năm 2024, thị trường sẽ sẽ tiếp tục chứng kiến sự "ra đi" của một số doanh nghiệp bất động sản đã kiệt sức, do phải chống chịu trong suốt thời gian dài", ông Đính nhận định.

    Chia sẻ trên báo Lao động, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đưa ra nhận xét, các doanh nghiệp bất động sản thực sự vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Cụ thể còn khó khi tiếp cận vốn vay tín dụng dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án.

    Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư lung lay đã tác động đến tính thanh khoản thị trường, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản càng thiếu vốn, thậm chí một số doanh nghiệp đang chịu áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản.

    Hơn nữa, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động làm chi phí đầu tư tăng cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

    Đặc biệt đối với vấn đề pháp lý, không ít dự án bất động sản đang gặp vướng mắc, như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; vướng mắc về điều chỉnh chủ trương đầu tư, về thẩm quyền chuyển nhượng dự án...

    Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, thị trường chưa thể ấm trở lại ngay bởi dòng tiền hoạt động, đầu ra sản phẩm và nguồn nhân lực trong ngành đang "ốm".

    Do đó trước mắt cần giải quyết thủ tục pháp lý cho những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, hoặc sẵn sàng được tung ra thị trường để bổ sung nguồn cung mới.

    GS.TS. Ngô Trí Long nói thêm, vấn đề khó cho doanh nghiệp bất động sản hiện nay là thị trường đang trầm lắng. Khi thị trường bất động sản không có đầu ra thì không lĩnh vực nào thông được, kể cả tín dụng. Giữa bối cảnh đó, lãi suất vay vốn không phải là vấn đề cốt lõi, mà cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác giúp khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

    Trong đó, phía doanh nghiệp bất động sản có thể đưa ra chính sách hạ giá bán, ưu đãi như tăng mức chiết khấu đối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, miễn phí quản lý sau khi bàn giao nhà; các khoản hỗ trợ tài chính, pháp lý cho khách hàng...

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-truong-bat-dong-san-am-dam-nam-2023-trung-binh-3-doanh-nghiep-dia-oc-giai-the-moi-ngay-a606067.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan