+Aa-
    Zalo

    Thí điểm bỏ biên chế giáo viên: Nghịch lý từ lăng kính các nước tiên tiến

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc hàng triệu giáo viên Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xoá tên khỏi danh sách công chức, viên chức đang đi ngược lại với phần đông xu thế đãi ngộ giáo viên...

    Việc hàng triệu giáo viên Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xoá tên khỏi danh sách công chức, viên chức đang đi ngược lại với phần đông xu thế đãi ngộ giáo viên ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

    Việc hàng triệu giáo viên Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xoá tên khỏi danh sách công chức, viên chức và thay vào đó là những bản hợp đồng lao động có vào – có ra thực là một thông tin gây rúng động với không chỉ những người trong nghề.

    Chuyện hay, dở của ý tưởng này có thể còn cần thêm nhiều bàn luận và thời gian phán xử. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, ý tưởng trên đang đi ngược lại với phần đông xu thế giáo viên ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

    Tại Nhật Bản, các công việc luôn mang tính cạnh tranh cao với cơ chế sàng lọc khắc nghiệt nhưng nghề giáo lại được bao bọc “yên bình”. (Ảnh minh họa)

    Việc đầu tiên vào buổi sáng mà mỗi học sinh Nhật Bản làm khi đến trường là cúi gập người chào thầy cô một cách thật lễ phép. Thói quen này được duy trì ở các ngôi trường Nhật Bản đủ lâu để trở thành một nét văn hoá và đủ tự nhiên để học sinh bày tỏ tinh thần tôn sư trọng đạo vốn ngấm trong huyết quản của họ. Hơn bất kể nghề nào, giáo viên ở Nhật luôn nhận được sự trọng vọng một cách dường như là tuyệt đối từ toàn xã hội.

    Trong khi ở Nhật các công việc luôn mang tính cạnh tranh cao với cơ chế sàng lọc rất khắc nghiệt, nghề giáo ở đây lại được bao bọc rất “yên bình”: Các giáo viên đều thuộc hàng công chức, nhận lương từ Chính phủ và có thể yên tâm gắn bó cả đời với nghề. Người Nhật luôn tin rằng, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của một đất nước nên các nhà làm luật luôn tạo cho giáo viên một vị thế đặc biệt.

    Vì lẽ đó nên ở Nhật dù lương giáo viên chưa thật cao nhưng một khi đã khoác lên mình danh hiệu thầy giáo, cô giáo, những người thầy cô nơi đây tự thấy phải uốn nắn từng đứa trẻ thành những công dân gương mẫu của xã hội."Nếu học sinh của chúng tôi phạm lỗi, ngay cả ngoài trường học, chúng tôi đều cho rằng đó là lỗi của chúng tôi đã dạy bọn trẻ chưa tốt", một thầy giáo Nhật từng chia sẻ như vậy.

    Thử hỏi một người giáo viên nếu thiếu đam mê với việc “trồng người” của mình liệu có được tinh thần đó? Và họ sẽ tự gánh lấy trách nhiệm ngoài xã hội của một đứa trẻ nếu trong lòng không thấy mình có vị trí đặc biệt?

    Không chỉ riêng Nhật Bản, phần lớn các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến ở châu Âu cũng xem giáo viên là nghề đặc thù, cần sự yên ổn và chuyên tâm cho việc đào tạo thế hệ thế trẻ.

    Tại các nước châu Âu (EU), giáo viên thường được coi là viên chức như tại Anh quốc (được tuyển dụng và ký kết hợp đồng làm việc - với mức độ ổn định cao hơn hợp đồng lao động thông thường), thậm chí công chức (như tại Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…) hay có chế độ tương đương công chức (như tại Đan Mạch). Mặt bằng lương của giáo viên các nước EU khá cao so với các ngành nghề khác.

    Ngay tại Mỹ, dù xu thế chung là gia tăng việc ký các hợp đồng ngắn hạn thay cho hợp đồng vĩnh viễn (tự động gia hạn qua các năm, tương tự như viên chức), cũng rất nhiều ý kiến phê phán chính sách sử dụng giáo viên như thế này.

    Người ta cho rằng, việc các trường chỉ ký hợp đồng ngắn hạn và cho phép học sinh đánh giá giáo viên, dẫn đến giáo viên phải “lụy” học trò, cho điểm cao mà không suy xét khiến chất lượng đào tạo giảm sút và ảnh hưởng đến tự do học thuật. Thêm nữa, hợp đồng ngắn hạn khiến người giáo viên không yên tâm để tập trung vào chuyên môn giảng dạy.

    Không phải ngẫu nhiên các nền giáo dục lớn trên thế giới lại dành cho giáo viên một vị thế đặc biệt trong chính sách đãi ngộ như vậy.

    Giáo viên là nghề rất đặc thù, ngoài chuyên môn giỏi còn cần đến cảm xúc lớn trong quá trình công tác. Công việc thực sự của các thầy giáo, cô giáo không chấm dứt sau giờ lên lớp và không chỉ ở trong lớp học. Bởi lẽ đó nên nếu thầy giáo, cô giáo phải lao động và được đối đãi theo kiểu “ráo mồ hôi là hết tiền” giống như lao động chân tay phổ thông, lên lớp và giảng bài như một cái máy, hết giờ là về thì kết quả giáo dục sẽ ra sao?

    Dương Cầm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thi-diem-bo-bien-che-giao-vien-nghich-ly-tu-lang-kinh-cac-nuoc-tien-tien-a192743.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan