ĐBQH Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói về thí điểm bỏ biên chế giáo viên nhưng nhiều giáo viên còn tâm tư gửi "tâm thư" thì Bộ trưởng nên giải thích thuyết phục hơn.
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên là điều được Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu ra tại một cuộc tiếp xúc cử tri tỉnh Bình Định mới đây.
Tin tức này ngay lập tức khiến dư luận xã hội dậy sóng. Nhiều giáo viên đã rất băn khoăn về những "cải cách", "đổi mới" của ngành giáo dục. Dường như, việc "cải cách", "đổi mới" luôn mang đến những hoang mang và lo lắng thay vì sự phát triển đi lên như kỳ vọng.
Điều này đã từng có tiền lệ với mô hình trường học mới VNEN hay đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Khi thí điểm, các mô hình, đề án này đều cho chung kết quả thành công nhưng triển khai trên thực tế lại thất bại. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, phiên chất vấn sáng 16/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm về những việc này.
Sự lo lắng của dư luận xã hội trước việc "thí điểm bỏ biên chế giáo viên" lần này là hoàn toàn có cơ sở.
ĐBQH Phạm Tất Thắng trả lời PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội. |
Nói về việc bỏ biên chế giáo viên, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng: "Mục tiêu chung là giảm chi cho con người, tăng chi cho hoạt động. Tuy nhiên, lộ trình và bước đi như thế nào cần phải tính toán".
Đưa ra quan điểm của cá nhân trước việc bỏ biên chế giáo viên, ĐBQH Phạm Tất Thắng nói: "Nghề giáo không tạo ra sản phẩm bình thường, nó là lao động đặc thù, sản phẩm là nhân cách con người. Việc được xã hội ghi nhận ở vị trí nhất định như hiện nay với giáo viên cũng rất quan trọng. Họ có thể yên tâm làm việc. Đặt vấn đề xóa biên chế ở thời điểm này là chưa hợp lý. Còn nhiều việc phải làm và rõ ràng ở thời điểm này chưa thể làm được".
"Thêm nữa, dù có làm gì cũng phải lưu ý hai yếu tố. Một là, đảm bảo chế độ, quyền lợi, vị trí xã hội của giáo viên phải được tôn trọng. Thứ hai, chế độ đãi ngộ, quyền lợi cho giáo viên phải tốt hơn. Có cơ chế để giáo viên yên tâm công tác chứ không phải nơm nớp lo sợ chuyện “vào – ra” như thời gian gần đây sau khi nghe thông tin về chuyện thí điểm bỏ biên chế giáo viên", ĐBQH Phạm Tất Thắng nói thêm.
Sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về việc sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên, Bộ trưởng cũng đã trả lời báo chí về vấn đề này. Tuy nhiên, sau trả lời của Bộ trưởng, nhiều giáo viên vẫn hết sức băn khoăn và tâm tư, viết "tâm thư" gửi đến Bộ trưởng. Dù vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa lên tiếng hồi đáp về những tâm tư này.
Trả lời câu hỏi của PV báo Người Đưa Tin về việc, khi chưa có đề án cụ thể, đưa ra một ý tưởng khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng có nên không và trước những "tâm thư" của nhiều giáo viên, Bộ trưởng có cần lên tiếng phản hồi? ĐBQH Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: "Là tư lệnh ngành giáo dục, một phát ngôn của Bộ trưởng có thể tác động rất lớn đến tâm lý của đội ngũ giáo viên cũng như các tầng lớp xã hội. Mặc dù phát ngôn cá nhân và đã có trao đổi với báo chí nhưng nếu dư luận còn băn khoăn, Bộ trưởng nên giải thích ý tưởng đó một cách cụ thể hơn, thuyết phục hơn, không nên im lặng".
Cũng đưa ý kiến về việc bỏ biên chế giáo viên, bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) băn khoăn: "Xóa bỏ biên chế giáo viên nếu triển khai không tốt có thể bị lợi dụng. Trước hết, đó là các vị đứng đầu các cơ sở giáo dục sẽ lợi dụng điều này để thanh trừng, loại bỏ giáo viên và tạo ra sự lệ thuộc của giáo viên với người đứng đầu cơ sở giáo dục".
Do đó, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, việc thí điểm bỏ biên chế giáo viên nếu làm phải hết sức thận trọng.
Dương Thu