Cùng với những lùm xùm gian lận trong thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, một thực tế rất đáng phải suy ngẫm khác là ngay cả đến tiến sĩ học ở châu Âu về cũng thi trượt viên chức. Vì sao lại thế?
Thực tế trên đã diễn ra tại một ngôi trường danh tiếng ở thủ đô – Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Mặc dù đang sở hữu những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Anh, Pháp nhưng hai người này vẫn đang phải ngậm ngùi công tác tại trường dưới danh nghĩa giáo viên dạy hợp đồng.
Lý do đơn giản vì khi tổ chức thi tuyển, vị tiến sĩ Vật Lý này chỉ đạt 8 điểm, trong khi các thí sinh khác dù chỉ học trong nước nhưng lại đạt 9,5 điểm. Một thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thế là dù có tốt nghiệp tiến sĩ ở Pháp, hay thạc sĩ Anh về thì vẫn trượt viên chức, vẫn phải tiếp tục chờ đợi và hi vọng!
Nêu ra thực trạng này khi đoàn giám sát HĐND Hà Nội về làm việc, bà Hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội Amsterdam Lê Thị Oanh phân trần, dù rất muốn tuyển dụng nhưng giáo viên với tấm bằng tiến sĩ này lại không thuộc diện “đặc cách”. Khi ở Hà Nội câu chuyện xin thêm biên chế hầu như đang diễn ra ở khắp mọi nơi thì bà hiệu trưởng nhà trường đã khôn khéo xin "cơ chế riêng" để giữ chân những tiến sĩ, thạc sĩ châu Âu ở lại trường.
Hình ảnh thông trưa xếp hàng nộp hồ sơ và những tiêu cực trong thi tuyển công chức ở Bộ Công thương thu hút sự chú ý của dư luận trong mấy ngày qua. |
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, bà Ngô Thị Doãn Thanh lại không đồng tình với đề xuất này. Lý do được bà nêu ra là hiện chính sách của nhà nước không có sự phân biệt giữa hệ dân lập và công lập. Do vậy càng không thể ưu tiên người học nước ngoài hơn học ở trong nước, rất bất hợp lý.
Như vậy là dù thí sinh học ở trong hay ngoài nước, dù cử nhân hay tiến sĩ thì vẫn phải chấp nhận cuộc chơi: điểm cao thì đỗ, điểm thấp đành trượt. Vậy việc vị tiến sĩ, thạc sĩ học ở châu Âu về nhưng vẫn thi trượt viên chức nói lên điều gì? Đương nhiên, một lý do luôn được nhắc đến tại mỗi kỳ thi là học tài – thi phận. Có lẽ với thi tuyển công chức, viên chức cũng vậy.
Tuy nhiên, ngoài hai chữ “số phận” người ta cũng có thể đặt ra nhiều tình huống khác: Phải chăng dù được đào tạo ở trời Âu với tấm bằng tiến sĩ cũng không giỏi hơn người học trong nước? Hay trình độ, kiến thức thức học được từ nơi xứ người không phù hợp với môi trường Việt Nam? Hay một kỳ thi được tổ chức không minh bạch nên “số phận” đã được an bài?... Thật khó để tìm ra một lý giải thỏa đáng.
Câu chuyện này khiến người ta liên tưởng đến 13 thí sinh giành được vòng nguyệt quế trong các kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia, được đi du học nhưng chỉ có duy nhất một người trở về Việt Nam.
Có người cho đó là tình trạng chảy máu chất xám. Ngược lại cũng có người nói ở đâu không quan trọng, và ở đâu cũng có thể đóng góp, xây dựng được cho quê hương. Nhưng cũng không ít ý kiến lại cho rằng, dù tài giỏi với những tấm bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam cũng chưa chắc đã được trọng dụng, chưa chắc đã được trả công xứng đáng.
Nói về công chức, người ta thường có câu "lương không đủ sống". Thế nhưng một xuất biên chế nhà nước vẫn luôn là khát khao của đa phần các bạn trẻ. Họ sẵn sàng nhịn ăn, hay đội mưa xếp hàng chỉ để nộp hồ sơ thi công chức như trường hợp ở Cục thuế Hà Nội, hay ở Hải Phòng vừa qua.
Đề án tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ chủ trì tới đây sẽ được điều chỉnh theo hướng vừa tinh giản, vừa nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và thu hút được người tài, người có năng lực. Nhưng quả thực giữa chủ trương và thực tế triển khai vẫn còn là cả một vấn đề, mà như vị Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội mới đây đã từng thẳng thắn thừa nhận, việc thải hồi những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ cũng “có dễ đâu”.
Đầu vào của công chức, viên chức luôn được khống chế, trong khi đó chuyện tiêu cực trong thi tuyển luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Với chừng ấy lý do, liệu bộ máy công chức, viên chức có lựa chọn được người thực sự có tài?
Xem ra cánh cửa vào biên chế cho người tài, người có năng lực được đào tạo cả ở trong lẫn ngoài nước vẫn còn tương đối hẹp.