Đỉnh núi Lảo Thẩn được mệnh danh là “nóc nhà” của xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nằm ở độ cao hơn 2.800m so với mặt nước biển. Ngọn núi sừng sững giữa mây trời không chỉ hấp dẫn những người ham du lịch mạo hiểm, mà nó còn là nguồn sống của người dân bản địa bởi những mùa thu hoạch sâm không hay còn gọi là cây mông chùa - một loại cây làm thuốc, mang lại những cái Tết ấm no cho người Mông nơi đây.
Theo kinh nghiệm của Sùng A Hờ, SN 1985 – một “hoa tiêu” chính gốc người Mông ở Y Tý với nhiều kinh nghiệm dẫn khách leo núi Lảo Thẩn thì độ cao hơn 2.800m ấy phải chinh phục 2 ngày 1 đêm mới là hợp lý. “Người khỏe và quen đường như tôi có thể đi về trong một ngày, nhưng đa số khách đến đây phải đi trong 2 ngày mới đảm bảo an toàn. Hành trình chinh phục Lảo Thẩn thường phải xuất phát từ khoảng 11h sáng đến 4h30 phút chiều, ngủ nghỉ ở trạm dừng chân rồi sớm hôm sau lên đỉnh Lảo Thẩn và xuống núi là vừa. Như thế, khách vừa có thể dừng chân “check-in” (chụp ảnh) ở những địa điểm đẹp, lại vừa không bị quá sức, nhất là với những người chưa quen leo núi cao và lạnh”, A Hờ nói.
Đường lên đỉnh Lão Thẩn. |
Lảo Thẩn quanh năm mây phủ, chất chứa trong nó biết bao điều bí ẩn. Tôi tò mò về những “dấu chân lạ” trên đỉnh Lảo Thẩn gắn với rất nhiều câu chuyện thần bí mà bao người đi trước truyền tai nhau thậm chí là e sợ. A Hờ cười sảng khoái và phủ nhận: “Không có dấu chân lạ nào đâu. Đó chỉ là dấu chân của đôi bò mất tích hàng tháng trời”. Khi chưa biết, người ta ngỡ rằng có bậc thần linh nào đó đã ghé xuống ngọn núi này mà để lại dấu tích với những “thông điệp bí ẩn”. Rồi “một đồn mười, mười đồn trăm”... và đến lúc tôi muốn khám phá điều “bí ẩn” ấy thì chuyện thần thánh đã trở thành mất... hai con bò của người dân xã Mường Hum Tưởng chuyến đi lần này đã mất đi phần nào ý nghĩa, nhưng anh bạn “thổ địa” A Hờ lại dẫn chúng tôi đến với những điều thú vị đặc biệt khác. Ấy là mùa thu hoạch sâm không (tiếng Mông gọi là cây mông chùa – một vị thuốc quý mang lại lợi ích kinh tế cho người Mông nơi đây - PV). Truyền thuyết của người Mông Y Tý kể lại rằng, có một đôi trai gái yêu nhau sâu sắc mà không đến được với nhau vì bị hai bên gia đình cấm cản.
Người con trai buồn lòng không ăn, không uống một thời gian dài và ngất lịm đi, không tỉnh dậy. Người con gái rất đau lòng, tưởng người yêu đã chết bèn cõng người con trai lên núi, tay chân xước vào cây rừng chảy máu rất nhiều. Do kiệt sức nên trên đường đi chẳng may người con gái bị ngã và không thể đi tiếp được nữa. Vô tình, gặp một loại cây tưởng là có chất độc, người con gái chia cây làm 2 phần để mình ăn và mớm cho người yêu cùng ăn với suy nghĩ rằng, nếu đã không lấy được nhau thì sẽ chết cùng nhau để trọn tình trọn nghĩa. Không ngờ, sau khi ăn loại cây này, người con trai sống lại, người con gái cũng khỏe mạnh và khỏi hết những vết thương. Hai người trở về nhà sau mấy tháng trời mất tích, khiến gia đình sửng sốt. Lúc này, anh em họ hàng đều đưa ra lời khuyên với bố mẹ chàng trai và cô gái: “Mày không cho chúng nó lấy nhau, bây giờ chúng nó đã chết đi sống lại rồi thì có quyền gì để ngăn cản nữa”. Vậy là, cha mẹ hai bên mủi lòng và ủng hộ đôi trai gái nên duyên vợ chồng. “Câu chuyện đó đã truyền qua bao đời người Mông nơi đây, từng được dựng thành một bộ phim tiếng Mông rất hay và ý nghĩa”, A Hờ kể.
Cho đến bây giờ, chuyện của các cụ truyền lại được thế hệ những người như A Hờ kể tiếp lại cho con cháu nghe, vừa là giáo dục, vừa là để ghi nhớ giá trị một loài cây. Bởi từ đó, loài cây tưởng có độc tố trở thành vị thuốc quý “cải tử hoàn sinh” và người ta nghiên cứu để cho ra đời những vị thuốc có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.
Đến vị thuốc quý mang Tết ấm cho người Mông
Theo lời A Hờ, sâm không rất dễ trồng, bám sâu vào lòng núi lạnh và cho ra đời sản phẩm là củ chừng 2-3 lạng tươi/củ, nhưng khi sấy khô thì có khi 2-3 củ mới được 1 lạng. Sâm mỗi năm chỉ cho thu hoạch một mùa vào khoảng tháng Mười Một âm lịch, tức là một tháng trước Tết. Càng trồng ở trên cao, cây càng cho củ to. Sau khi thu hoạch củ, thân cây được giữ lại, cắt từng đốt để làm giống cho mùa sau. Hoặc có khi vứt những thân đó lại nương, nó cũng có thể bén rễ mà cho ra sản phẩm vào mùa tiếp. Chỉ cần mỗi năm nhổ cỏ 3 lần là có thể cho thu hoạch mà không cần chăm bón kỳ công.
“Thương lái từ Lào Cai đánh xe ô tô về đây thu mua với giá rất cao, chừng 70.000 đồng/1kg sấy khô. Mỗi gia đình chịu khó trồng, chăm sóc thì cũng được chừng 3-4 triệu đồng để sắm Tết thoải mái. Được mùa sâm là coi như cả gia đình có một cái Tết ấm no. Người Mông nơi đây cũng thường chờ thu hoạch sâm không bán lấy tiền mua sắm quần áo mới, giày dép, đồ dùng cho ngày Tết. Cũng có năm, gia đình được mùa sâm không thì số tiền thu được bằng cả chiếc xe máy với giá hàng chục triệu đồng”, A Hờ chia sẻ. Lá non của cây sâm không có thể ăn được, đặc biệt là xào với thịt lợn thì rất ngon. “Lá sâm không ướp thịt mỡ – loại mỡ không phải từ thịt lợn mua ngoài chợ mà là lợn tự nuôi, mổ ăn Tết còn để dành, xào cho sém cạnh, mỡ từ thịt chảy ra ngấm với lá sâm không, đem món ăn lên bàn nhâm nhi với chai rượu ngâm củ sâm không thì thật tuyệt vời”, A Hờ cho biết. Sâm lấy về phải phơi hoặc sấy khô, còn nếu để tươi mấy ngày là sẽ bị hỏng. Củ sâm không nếu biết dùng sẽ có tác dụng rất tốt, tăng cường sức khỏe cho mỗi người. Khi ngâm rượu, cần chú ý cho một lượng vừa đủ, ví dụ như 20 lít rượu ngâm với một củ bằng ngón tay là vừa. Nếu ngâm nhiều sẽ phản tác dụng, rượu bị hôi và thậm chí là có độc tố. Do đó, người dân chủ yếu trồng để bán và chỉ dùng một ít để ngâm rượu, chữa bệnh đau lưng. Người mệt mà uống rượu ngâm sâm không này sẽ khỏe khoắn nhanh chóng.
Sau khi thu hoạch, người dân lại phát nương để trồng tiếp cho mùa sau. Mùa hoa sâm không nở trắng cả một góc rừng vào khoảng tháng Năm, tháng Sáu. Củ sâm không này khi mới nhổ từ đất lên thì mềm, nhưng đem phơi khô sẽ cứng dần và rắn như đá, màu đen nhưng không đen sì như than mà nó pha lẫn màu vàng. Đây là loài cây quý đã được người dân nơi đây trồng từ nhiều đời. Mỗi khi lên núi, thấy cây sâm không này, người dân có thể hái những lá búp non mang về xào với thịt. Nhưng nếu đến mùa thu hoạch củ mà ăn trộm sâm không để bán, bị bắt được sẽ chịu phạt rất nặng, đền gấp 3 lần. Đó là nguyên tắc bất thành văn của người dân nơi đây. Cũng bởi đây là một trong những loại cây cho lợi nhuận cao hơn việc trồng thảo quả theo tập quán từ ngàn đời. Thảo quả thường bị hỏng, phụ thuộc thời tiết nhưng sâm không thì lại dễ thích ứng với thời tiết lạnh ở nơi đây.
Từ Y Tý lên đến Lảo Thẩn là một hành trình dài, nhưng với những câu chuyện ly kỳ của Sùng A Hờ, quãng đường như ngắn lại. Bất cứ ai khi chinh phục Lảo Thẩn, gặp A Hờ cũng cảm thấy may mắn bởi không chỉ vui tính, cởi mở, A Hờ còn như một kho tàng văn hóa của người Mông, giúp du khách khám phá nhiều nét đẹp trong thiên nhiên và con người nơi đây.
* Bài viết đã được đăng trên Báo giấy Đời sống & Pháp luật.