Được cho là “lành” hơn so với các loại rượu ngâm động vật, gần đây, rượu ngâm thực vật trở thành sản phẩm “hot” mà các quý ông săn tìm...
Rượu ngâm thực vật đang trở thành sản phẩm “hot” trên thị trường. |
“Cứ hoa, quả ngâm là lành” (?)
Trước những lời đồn về tác dụng “cường dương, tăng bản lĩnh” nhưng “lành” hơn so với việc uống rượu ngâm động vật như: Cá ngựa, tắc kè, bìm bịp…; Các loại rượu ngâm thực vật đang được các quý ông sưu tập.
Chỉ mấy bình rượu ngâm đặt dọc gầm cầu thang, anh Hoàng Minh Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Nghe anh em kháo nhau là tốt lắm nên mình tự mua về ngâm. Có loại thì đi dọc đường thấy họ bán dạo mình mua, nhưng có món cầu kỳ phải gửi bạn bè xách về cho như ba kích rừng hay nấm ngọc cẩu. Bạn bè tôi ai cũng sắm cho mình dăm bình rượu ngâm thế này”. Theo giới thiệu của anh Hải, gần chục bình rượu nào là “bổ thận, tráng dương”, nào là “tốt cho tiêu hóa, giảm cân” như rượu ngâm nho rừng, rượu sim. Ngay cạnh bình ba kích ngâm gần một năm nay, anh Hải mới sắm hai bình rượu ngâm sâm cau rừng và nấm ngọc cẩu. “Loại nấm ngọc cẩu này anh phải gửi mua, không hề rẻ, cũng nửa triệu đồng một cân. Thấy bạn bè bảo “bổ dương, tăng cường bản lĩnh”, mỗi ngày làm một ly cũng tốt”, anh Hải chia sẻ.
Theo trào lưu, giá của các loại rượu ngâm thực vật cũng được rao bán nhiều mức khác nhau. Đơn cử, riêng với nấm ngọc cẩu được đồn đoán như “thần dược phòng the” cũng có giá xê dịch 280-800 nghìn đồng/kg với nấm tươi, còn nấm khô thì có giá từ 600 nghìn - 1 triệu đồng/kg. Một bình rượu nấm ngọc cẩu ngâm sẵn 10 lít cũng có giá 1,6 -1,8 triệu đồng/bình...
Khi nói về các loại rượu ngâm này, lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình cho biết, những loại như nấm ngọc cẩu, ba kích hay sâm cau đỏ… đều là nguồn dược liệu quý, tốt và có tác dụng bồi bổ sức khỏe cũng như chữa bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách ngâm cho đúng để các loạirượu thuốc giữ được dược tính của dược liệu. Ví như, với nấm ngọc cẩu, để bảo toàn tính dược “bổ thận trợ dương, nhuận tràng thông tiện, chữa liệt dương, di tinh, lưng đau gối mỏi…”, loại này cần được phơi âm can tức là chỉ phơi trong bóng râm, không phơi nơi có ánh nắng trực tiếp trong vòng 1 - 2 ngày, sau đó sao cách thủy rồi mới bỏ ngâm rượu. “Hay như với ba kích cũng có tác dụng tương tự, khi sơ chế trước khi ngâm cần phải bỏ lõi. Rất nhiều người bỏ qua việc này, ngâm luôn cả củ, thì còn có tác dụng ngược”, ông Minh lưu ý.
Chết vì... tin đồn thổi
Không chỉ ngâm rượu với các loại dược liệu, trên thực tế nhiều người dân nghe đồn thổi tự ý ngâm các loại củ, rễ cây rừng không rõ nguồn gốc; Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng. Điển hình như vụ ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu tại gia đình ông Trần Hùng Khải (thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng). Vụ ngộ độc khiến 6 người xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu, chóng mặt... phải đưa đi cấp cứu. Mới đây, tại Đắk Lắk, một vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây rừng cũng khiến ông Nông Văn Thụ (SN 1965, ngụ xã Cư Wy) và ông Nông Văn Vương (SN 1969, ngụ xã Cư AMung, cùng huyện Ea H’leo) bị ngộ độc. Sau cấp cứu, ông Vương đã tử vong. Được biết, rượu là do gia đình ông Vương tự nấu, sau đó đem ngâm với “thảo dược” là rễ cây tự đào được trong rừng.
Chia sẻ với Báo Giao thông, lương y Lương Quốc Trung, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Chùa Cảm Ứng cho biết: “Thuốc bổ cũng phải có liều lượng nhất định mới mang lại tác dụng. Không có chuyện cứ quan niệm “bổ, lành” là dùng bao nhiêu cũng được”. Theo ông Trung, việc bồi bổ các loại rượu ngâm dược liệu còn phải phù hợp với thể trạng của từng người. Bởi, có thể với người này thì tốt nhưng với người khác có thể còn mang hại. Ông Trung lấy ví dụ, như sâm cau vị thuốc có tính táo nhiệt, dễ làm thương âm, vì vậy những ngày thời tiết nóng, người “âm hư, hỏa vượng” (miệng khô, lòng bàn chân, tay nóng…) không nên sử dụng.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi có nhu cầu sử dụng các loại rượu ngâm dược liệu, nên tìm mua dược liệu ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và cần có sự tư vấn của các thày thuốc chuyên khoa y học cổ truyền. “Tuyệt đối không nên tự ý sưu tầm các loại rễ cây để ngâm rượu bởi dễ chọn nhầm loại cây có độc tính. Mọi người nên loại bỏ thói quen sử dụng rượu ngâm với các loại dược liệu. Không nên lạm dụng rượu, bởi ngay việc tiếp nhận liều lượng lớn rượu vào cơ thể cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, chưa kể đến việc “bồi bổ” quá mức biến “lành” thành “dữ”, ông Trung cho biết.
Được cho là “lành” hơn so với các loại rượu ngâm động vật, gần đây, rượu ngâm thực vật trở thành sản phẩm “hot” mà các quý ông săn tìm...
Xem thêm video:
[mecloud]bCfR8gu4IV[/mecloud]