+Aa-
    Zalo

    Bé trai 8 tuổi mắc bệnh lạ được cải tử hoàn sinh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bé Võ Nhật T., 8 tuổi (Đồng Nai), mắc bệnh lạ phải điều trị nhiều tháng tưởng không qua khỏi. Nhờ sự tận tình cứu chữa của bác sĩ, bé đã hồi phục và xuất viện.

    (ĐSPL) - Bé Võ Nhật T., 8 tuổi, ngụ Đồng Nai, mắc bệnh lạ phải điều trị nhiều tháng trời và có lúc tưởng không qua khỏi. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Nhờ sự tận tình cứu chữa của bác sĩ, bé đã hồi phục và xuất viện về nhà.

    Ngày 28/10, trao đổi với PV báo ĐS&PL, bác sĩ CK2 Phạm Thúy Ngà, Trưởng khoa Lâm sàng 1, bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bé Võ Nhật T. (8 tuổi, ở xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), vừa xuất viện về nhà sau 4 tháng điều trị bệnh Pemphiqus, một loại bệnh tự miễn hiếm gặp ở trẻ em.

    Trước đó, ngày 6/7, bé T. nhập viện trong tình trạng nổi bóng nước ở trán, mắt, miệng. Gia đình cho biết, trước đó đã tự mua thuốc cho bé uống, sau đó đưa đi nhiều nơi chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Tình trạng bệnh của bé càng nặng hơn trước, bóng nước bộc phát toàn thân, bề mặt rỉ dịch mủ. Sau khi nhập viện tại bệnh viện Da liễu, các bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh Pemphiqus vuglaris bội nhiễm.

    Triệu chứng Pemphiqus khiến da bệnh nhân nổi nhiều mụn nước.

    Sau đó T. được chuyển sang khoa Bỏng bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị viêm phổi, nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm vào máu, rối loạn chuyển hóa, suy đa cơ quan... Sau 40 ngày điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1, tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng huyết của bé T. đã giảm. Nhưng bệnh Pemphiqus vẫn rất nặng, khó qua khỏi. Bệnh viện Nhi đồng 1 chuyển bệnh nhân qua bệnh viện Da liễu để tiếp tục điều trị bệnh.

    Ngày 7/9, gia đình cho bé T. nhập viện tại bệnh viện Da liễu, trong tình trạng thoi thóp, cơ thể bất động, cơ hội sống mong manh. Ban giám đốc bệnh viện Da liễu tiến hành hội chẩn toàn viện, để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân. Suốt quá trình điều trị, tình trạng bệnh của bé T. giảm dần, những bóng nước, chấn thương và lở loét trên da bắt đầu mất dần.

    Chia sẻ với PV, bác sĩ Phạm Thúy Ngà cho biết thêm: “Là bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân, tôi thấy đây là ca bệnh hiếm gặp. Thực tế, bệnh chỉ gặp ở người lớn trên 40 tuổi, còn trẻ em, chúng tôi chỉ mới gặp vài ca”. Qua quá trình điều trị, bác sĩ Ngà nhận thấy, bệnh nhân T. trước đó đã sử dụng tất cả những kháng sinh liều cao đặc trị về bệnh, nhưng vẫn không khỏi. Việc kháng thuốc khiến việc điều trị càng khó khăn. Từ đó, chuyện kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng phải nghiên cứu kỹ và những thuốc kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân, theo bác sĩ Ngà, cũng rất hiếm.

    Sau một thời gian dài vật lộn với bệnh hiểm nghèo của con trai, anh Võ Thành Đ., ba bé T. bày tỏ, con được cứu sống, gia đình anh biết ơn vô cùng tới bác sĩ Ngà cũng như tập thể khoa Lâm sàng 1, bệnh viện Da liễu. Trước khi về, bé T. tự xin ba mẹ lên phòng ban giám đốc cảm ơn bệnh viện, cảm ơn bác sĩ. Anh Đ. khẳng định: “T. nhỏ tuổi, nhưng rất nghị lực. Thời điểm bệnh lở loét khắp người vẫn âm thầm chịu đựng, sau khi bớt bệnh, T. tập đứng dậy rồi tập đi lại”. Anh Đ. cho rằng, nếu không có sự vào cuộc tận tâm, tận tình của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện, có lẽ bé T. khó qua khỏi.

    Còn mẹ bé T., chị M. cho biết thêm: “Chúng tôi biết trách nhiệm của bác sĩ là chữa bệnh. Nhưng nếu không có những bác sĩ tận tâm, tận tình thì có lẽ sự sống của bệnh nhân rất mong manh. Việc con tôi bị bệnh lạ ở da, bác sĩ đều trao đổi cho biết, có lúc chúng tôi như suy sụp khi chứng kiến con thở bằng máy. Bác sĩ liên tục thăm khám, theo dõi, thậm chí tới giờ về, nhưng các bác sĩ vẫn ở lại theo dõi cho con tôi. Nhất là những ngày liên tục tiêm thuốc, bác sĩ về sợ có chuyện không tốt xảy ra với bệnh nhân nên không thể về. Những việc gia đình, như đón con, chuyện nhà các bác sĩ đều bỏ qua, nhờ người thân giúp để tập trung cứu con tôi”.

    Được biết, gia đình anh Đ. trước đó cũng có người nhà bị bệnh giống bé T.: “Năm 1987, mẹ tôi cũng phải ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo này. Nhớ lại quá khứ đau thương đó, tôi lo hơn khi con gặp bệnh này. Bác sĩ bảo bệnh này chỉ xảy ra ở người lớn, còn trẻ em hiếm lắm. Cũng vì bệnh nên con tôi có lẽ năm học này sẽ tạm gác lại. Qua năm cho con tiếp tục đến trường. Mấy bữa nay, về nhà con đòi đi học, nhưng để bảo đảm sức khỏe cho con, chúng tôi quyết định cho con nghỉ một năm để điều trị bệnh cho khỏi hẳn”.

    Chia sẻ thêm với PV, bác sĩ Ngà xác nhận: “Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện, kết quả giải phẫu bệnh của bệnh nhân được chuyển qua hội chẩn trực tuyến với bệnh viện ở Mỹ, mới phát hiện ra bệnh Pemphiqus, từ đó mới có hướng điều trị cho bệnh nhân và có kết quả thành công. Quá trình điều trị, bệnh nhân liên tục truyền thuốc. Và cho đến lúc này, chuyện bệnh nhân được cứu sống, tôi vẫn nghĩ nó như một điều kỳ diệu trong truyện cổ tích. Đồng thời, cả khoa chúng tôi rất hào hứng phấn khởi khi mình đã cứu sống bệnh nhân”.

    LÀNH NGUYỄN

    Xem thêm video:

    [mecloud]gZQHdAZH38[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-trai-8-tuoi-mac-benh-la-duoc-cai-tu-hoan-sinh-a168603.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan