Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ, ngày 3/7 vừa qua là ngày nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,01 độ C – vượt qua kỷ lục 16,92 độ C từng được thiết lập vào tháng 8/2016. Trong khi đó, các đợt nắng nóng vẫn đang lan rộng khắp thế giới.
Các chuyên gia của cơ quan trên cho biết, miền Nam nước Mỹ đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong những tuần gần đây có thể là do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra.
Ở Trung Quốc, các đợt nắng nóng đến sớm hơn và lan rộng hơn so với những năm trước. Tính đến nay, nước này đã trải qua 4 đợt nắng nóng diện rộng với 15 tỉnh bị ảnh hưởng. Dự báo, các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến một số khu vực phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc với với nhiệt độ trên 35 độ C. Trong khi đó, các quốc gia Bắc Phi đã chứng kiến nền nhiệt cao gần 50 độ C.
Ngay cả Nam Cực, hiện đang trong mùa đông, cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường khi sông băng tan nhanh hơn và nắng nóng gay gắt hơn. Cơ sở nghiên cứu Vernadsky của Ukraine tại Quần đảo Argentina thuộc Nam Cực gần đây cũng đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 8,7 độ C.
“Mọi người trên khắp thế giới đã phải chịu đựng các tác động của khí hậu, từ sóng nhiệt, cháy rừng và ô nhiễm không khí đến lũ lụt và bão cực đoan. Sự nóng lên toàn cầu cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất mùa và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, cũng như tình trạng di cư”, bà Jeni Miller - giám đốc điều hành của Liên minh Sức khỏe và Khí hậu Toàn cầu có trụ sở tại California (Mỹ) cho biết.
Theo nữ giám đốc, việc khai thác cũng như sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và không tương thích với một tương lai khí hậu trong lành. Đó là lý do thúc đẩy chính phủ các nước phải chuẩn bị đưa ra cam kết tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2023 (COP 28) nhằm loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Về kỷ lục nhiệt độ mới được công bố hôm 4/7, nhà khoa học Zeke Hausfather tại tổ chức Berkeley Earth nhận định: “Thật không may, đây có thể chỉ là kỷ lục đầu tiên trong một loạt kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong năm nay. Lượng khí thải carbon dioxide và hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng cùng với hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao mới".
Phương Uyên(Theo Guardian)