(ĐSPL) – Có những buổi đến trường trễ giờ, người và xe toàn bùn đất, áo ấm cũng lấm lem, ướt sũng vì mưa. Lũ học trò lại phải ra mương sau trường gột quần áo và mang cả xe đạp ra rửa, cạo đất bùn dính ở bánh xe. Cứ một bạn giữ xe, một bạn té nước rồi hì hục cạo đất bùn. Đứa nào cũng tím cả môi vì giá rét mà vẫn cười nói tíu tít.
Đã lâu lắm rồi tôi chưa gặp lại thầy. Cuộc sống vốn nhiều đổi thay và luôn vận động, vì thế mà con người ta thường quá bận rộn để rồi dần lãng quên đi những giá trị thiết thực xung quanh mình. Thầy dạy tôi trong khoảng thời gian không dài, nhưng lại cho tôi nghị lực để vượt qua thử thách của cuộc đời.
Năm ấy, tôi học lớp 6 niên khóa 1992 - 1993. Sau kì thi HSG, tôi được chọn ra học lớp Năng Khiếu Văn của huyện. Tôi cùng các bạn ở khắp huyện được chọn đã vui mừng và vinh dự tựu trường.
Trường Năng Khiếu của huyện cách nhà 10km, đường đi lại chủ yếu là đường đất, vì thế việc đi lại rất vất vả. Những ngày nắng thì đỡ, những ngày mưa phùn, gió bấc thì... thật cực nhọc. Bánh chiếc xe đạp dính đầy đất bùn, còng lưng mà đạp nó cũng chẳng chịu đi. Lại gió rét thổi muốn bay cả người lẫn xe. Vậy nhưng tôi cùng các bạn vẫn cố gắng đều đặn tới trường. Được học với các thầy cô trường Năng Khiếu là một niềm ao ước của bất cứ học sinh nào ở địa phương.
Có những buổi đến trường trễ giờ, người và xe toàn bùn đất, áo ấm cũng lấm lem, ướt sũng vì mưa. Lũ học trò lại phải ra mương sau trường gột quần áo và mang cả xe đạp ra rửa, cạo đất bùn dính ở bánh xe. Cứ một bạn giữ xe, một bạn té nước rồi hì hục cạo đất bùn. Đứa nào cũng tím cả môi vì giá rét mà vẫn cười nói tíu tít.
Ngày thi Tỉnh thường vào tháng 3, sau nghỉ Tết khoảng 1 tháng. Các thầy cô và học trò dốc sức chạy nước rút sau dịp Tết Nguyên Đán. Mùa đông năm đó, tôi lại hay bị ốm, hầu như tuần nào cũng viêm họng, ho, sốt. Kì thi sắp đến, bài ôn nhiều lên, độ khó tăng lên mà sức khỏe tôi lại yếu đi. Vì vậy, tôi phải trọ học gần trường để đi lại đỡ vất vả.
Hôm ấy là thứ 7 cuối tuần, vì còn sốt viêm Amidan nên tôi không đủ sức đạp xe về nhà. Mà trong lòng tôi nhớ mẹ, nhớ nhà cồn cào. Tôi đã ốm và phải nghỉ học mấy ngày rồi, nhưng mẹ không biết, vì ngày ấy đâu có điện thoại đâu. Trời chiều, tôi càng nhớ nhà, nhớ mẹ.
Ngồi ra cửa nhà trọ, ngóng ra đường mong tìm thấy bóng người thân. Đường vắng, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đạp đi qua, mà không thấy ai quen cả. Tôi ngồi, nước mắt chảy dài trên má. Ước gì mẹ ở đây, ước gì mình được ở nhà với mẹ! Và suy nghĩ duy nhất trong đầu tôi, một đứa trẻ 12 tuổi trọ học xa gia đình đang bị ốm là: Bỏ học trường huyện, về với mẹ, học ở trường xã cho đỡ khổ.
Tôi nung nấu ý định bỏ học và quyết định đi bộ về nhà, dọc đường gặp ai quen thì xin đi nhờ xe. Thế là tôi chuẩn bị sẵn quần áo, sách vở, ra ngồi chờ ở cửa. Mệt vì sốt cao nên tôi đã không thể đi bộ về với quãng đường 10km, vì vậy tôi lại phải ngồi ngóng trông, tìm bóng người quen.
Chưa bao giờ tôi quên người thầy tiếp sức mạnh và cho tôi nghị lực vượt qua không chỉ một thử thách trong cuộc đời. Ảnh minh họa. |
Rồi bất chợt có bóng thầy đang đạp xe tới gần. Tôi vui mừng nhưng rồi lại e ngại, không dám vẫy gọi thầy xin quá giang (ngày xưa là thế, học trò rất nể sợ và e ngại thầy cô). Tôi vội quay lại phía cửa nhà trọ vì sợ thầy nhận ra. Nhưng thầy đã nhận ra tôi, đứa học trò nhỏ chỉ học thầy có một thời gian không dài. Thầy gọi tôi và xuống xe hỏi: "Em trọ học ở đây à? Cuối tuần có về nhà không, thầy đi họp giờ mới về".
Tôi chào thầy và nói: "Em cũng đang định về nhà thầy ạ!"
Chợt thầy nhận ra điều khác lạ ở tôi, thầy nói: "Em ốm à? Em bị sốt phải ko?" Thế là tôi nghẹn lại, không nói được gì thêm. Thầy hiểu ngay tôi đang bị bệnh và muốn về nhà. Thầy nói: "Mang đồ ra đây rồi thầy chở em về nhà". Tôi mừng rỡ như gặp được cứu tinh. Vội vàng mang theo "hành lý" chạy ra xe thầy. Thực ra hành lý chỉ có vài bộ quần áo và cái cặp sách cũ. Tôi ngồi lên chiếc xe đạp cũ của thầy và hai thầy trò lên đường "về quê".
Lòng tôi khấp khởi mừng thầm và nghĩ: “Lần này về với mẹ, mình sẽ học luôn ở trường xã, không đi trọ học ngoài huyện nữa, chắc chắn sẽ như vậy”. Thầy trò vừa đi vừa nói chuyện. Thực ra là toàn thầy hỏi thăm tình hình học tập của tôi ở ngoài trường huyện.
Thầy dạy tôi môn Toán đầu năm lớp 6, rồi tôi đỗ ra trường huyện, tôi nghĩ thầy không nhớ tôi hoặc không quan tâm đến tôi. Vì tôi ở đội tuyển Văn mà. Nhưng không, thầy hỏi tôi rất nhiều và kể cho tôi nghe tình hình các bạn ở lớp từ ngày tôi đi.
Tôi thấy xúc động vì thầy quan tâm đến học sinh quá. Con đường dài 10km, toàn ổ gà, ổ voi lại lầy lội, làm thầy phải đi chậm và lái xe rất khó khăn. Tôi sợ thầy chở nặng nên đến đoạn đường xấu tôi xuống xe. Thầy lại sợ tôi mệt nên một mực nói: "Em cứ ngồi im trên xe để thầy dong xe". Tôi cảm nhận được sự ấm áp và tình thương thầy dành cho tôi.
Thầy lại hỏi về tình hình sức khỏe của tôi: "Em có hay ốm như thế này không?" Tôi kể về mình cho thầy như con kể chuyện với cha: "Em hay ốm lắm thầy ơi, cứ bị viêm Amidan suốt ạ. Tháng nào em cũng bị ho sốt một hai lần và phải nghỉ học nữa". Thầy ái ngại và khuyên tôi phải giữ gìn sức khỏe để học, phải có sức khỏe mới học tốt được: "Học trường Năng Khiếu vất vả lắm, em phải biết lo sức khỏe". Tôi ngồi sau nghe mà rưng rưng: "Thầy ơi! Em sẽ về trường mình học với thầy và các bạn. Em không ra trường Năng khiếu học nữa đâu ạ!"
Thầy im lặng, tôi cũng lo lắng lặng im. Một tiếng thở cũng nghe rõ, không khí chùng lại. Tôi hồi hộp... chờ phản ứng của thầy. Thầy lên tiếng: "Em nói lý do cho thầy nghe, em không theo kịp các bạn ở đây hay vì lý do gì khác?"
Tôi đưa lý do mà tôi cho là rất chính đáng: “Em cứ bị bệnh suốt nên không theo học được ạ”.
Thầy nói: "Em đã suy nghĩ kĩ chưa? Đâu phải ai cũng được chọn ra trường Năng Khiếu học. Con thầy và các bạn khác mơ ước cũng chưa được đấy. Sao em lại muốn bỏ. Chỉ vì sức khỏe thôi ư?"
Tôi vẫn một mực đinh ninh: “Vâng, em về để có mẹ chăm sóc, chỉ có mẹ mới chữa khỏi bệnh cho em nhanh nhất ạ”. Thầy sợ tôi bỏ học, thầy tiếc như sợ mất điều gì quý giá. Thầy nói: “Thầy tưởng em ko theo kịp chương trình của trường chuyên lớp chọn, chứ sức khỏe thì mình có thể khắc phục được. Em nghe thầy, về nhà chữa khỏi bệnh em lại đi học tiếp nhé! Phải mạnh mẽ lên, em ạ! Mình đại diện cho trường ra huyện mà lại bỏ cuộc thì..."
Tôi im lặng, tôi không muốn hiểu điều đó mà chỉ muốn về nhà với mẹ. Tôi cứ lặng im như thế như để phản đối ý kiến của thầy. Thầy lại nói tiếp: “Em hay bị viêm Amidan, em chịu khó phòng bệnh, cứ ngậm nước muối pha loãng thường xuyên buổi sáng và tối. Em chịu khó và kiên trì nhé, nếu thấy khó chịu ở cổ họng là phải ngậm nước muối ngay. Nếu không thấy giảm thì em đi khám và uống thuốc kịp thời, đừng để phát sốt sẽ lâu khỏi và mất sức. Em có nghe thầy nói không?"
Tôi vẫn im lặng, cố tình không muốn bị thuyết phục. Thầy nói thêm: “Em đại diện cho trường mình mà bỏ cuộc chỉ vì sức khỏe thì không đáng, em học được thì phải cố gắng tiếp tục để mang vinh dự về cho trường mình chứ!”
Rồi thầy đưa tôi về tận nhà, tôi ào vào nhà tìm mẹ rồi leo lên giường... làm nũng. Mẹ ra chào và cảm ơn thầy, rồi thầy nói chuyện gì đó với mẹ. Tôi không quan tâm, tôi chui vào chăn ấm, nằm chờ mẹ chăm sóc.
Trường THCS Mỹ Hương, Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: NVCC. |
Nhờ mẹ mà tôi mau khỏi bệnh, rồi tôi cũng nói ý định bỏ học trường huyện về trường xã. Mẹ bảo: "Tùy con, nếu con muốn về cũng được, nhưng mẹ chỉ muốn nói với con câu này:” Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một li”. Con học giỏi văn thì con hiểu được ý nghĩa của câu nói đó hơn mẹ. Con cứ suy nghĩ kĩ."
Tôi đã khỏe nên không ngại con đường xa lắc tới trường huyện nữa. Tôi nhớ lại những điều thầy nói và nghĩ: Thầy và các thầy cô ở trường luôn dõi theo mình, vậy mình không thể bỏ cuộc mà về được. Về bây giờ sẽ không biết nói sao với thầy cô và các bạn. Và tôi quyết định trở lại trường huyện học.
Tôi nghe lời thầy thường xuyên ngậm nước muối pha loãng, giữ ấm cổ trong những ngày giá rét. Và tôi đã làm được, tôi ít bị bệnh hơn hẳn. Có sức khỏe là có tất cả, tôi theo học ở trường chuyên cho tới tận năm cuối cấp.
Tôi cũng giành được khá nhiều giải HSG Tỉnh cả môn Văn và các môn khác nữa. Tôi quen với việc tự lập khi trọ học xa nhà, tôi cũng quen thầy cô, bạn bè mới nên ít có dịp gặp lại thầy. Rồi việc học, thi, ra trường, đi làm... thời gian cuốn tôi xa ngôi trường xưa, xa thầy! Nhưng chưa bao giờ tôi quên người tiếp sức mạnh và cho tôi nghị lực vượt qua không chỉ một thử thách trong cuộc đời.
Hè vừa rồi tôi về thăm quê, tìm đến ngôi trường xưa nhưng không gặp được thầy. Thầy bận đi công việc ở đâu đó mà không biết hôm nào mới về. Tôi chỉ hỏi thăm được một chút về thầy: thầy chuẩn bị được nghỉ hưu. Ôi, mới đó mà giờ đã bao nhiêu năm qua, thầy chắc đã già rồi. Tôi vẫn còn chưa nhìn thấy thầy, trong tâm trí tôi vẫn là người thầy năm xưa, dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và tâm huyết với nghề. Tôi muốn gặp để nói với thầy rằng: "Thầy ơi! Em vẫn nợ thầy một lời cảm ơn ạ!"
(Tâm sự của cô giáo Đặng Thị Chung, trường tiểu học Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, gửi tới thầy giáo xưa: Thầy Đặng Lâm, Trường THCS Mỹ Hương, Lương Tài, Bắc Ninh).