Tài sản đảm bảo “quen mặt” cho các giao dịch tín dụng giữa hệ sinh thái Tập đoàn Hoa Lâm - Vietbank
Ngày 30/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) thông qua nghị quyết chấp thuận giao dịch giữa Vietbank và Công ty TNHH Hương Hồng, Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City theo đề xuất của Hội đồng tín dụng cấp cao.
Theo đó, Vietbank nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và toàn bộ công trình xây dựng trên đất tại thửa đất số 14, Tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City để đảm bảo cho khoản cấp tín dụng trị giá 332,8 tỷ đồng của Công ty TNHH Hương Hồng tại Vietbank.
Mục đích của khoản vay để thanh toán tiền cọc chuyển nhượng bất động sản tại thửa đất 1-16 Tờ bản đồ 108 – phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM.
Trước đó 1 tuần, vào ngày 23/10, HĐQT Vietbank cũng chấp thuận thông qua giao dịch giữa nhà băng này và Công ty TNHH Cello Land, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La.
Theo đó, Vietbank nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-14, tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TPHCM, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Y Tế Hoa Lâm Shangri-La để bảo đảm cho khoản cấp tín dụng trị giá 228,36 tỷ đồng của Công ty TNHH Cello Land tại Vietbank.
Mục đích vay để thanh toán tiền theo hợp đồng mua phần vốn góp của Công ty TNHH Phú Đình Quang trong Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Lâm.
Các tài sản đảm bảo thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TPHCM – thuộc sở hữu của loạt doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm như Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri- La, Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City…nhiều lần được sử dụng để đảm bảo cho các giao dịch tín dụng tại Ngân hàng Vietbank.
Đơn cử như việc vào ngày 20/7, HĐQT VietBank đã nhất trí, chấp nhận thông qua giao dịch giao dịch cấp tín dụng giữa nhà băng này với Công ty TNHH bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la.
Tổng mức cấp tín dụng là 176 tỷ đồng, mục đích vay nhằm hoàn tiền chi phí lưu động cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City, thời hạn vay là 2 năm.
Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 108 thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, chủ sở hữu Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm 1, để bảo đảm cho khoản vay 86 tỷ đồng của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City tại Vietbank.
Trước đó, vào cuối tháng 6, HĐQT VietBank cũng đã thông qua giao dịch đảm bảo giữa VietBank và Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la về việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside.
Theo đó, quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM sẽ được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay gần 492 tỷ đồng của TML Riverside tại VietBank.
Ngoài ra, bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cũng được sử dụng để đảm bảo cho khoản vay gần 1.655 tỷ đồng của TML Riverside. Các tài sản đảm bảo nói trên đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la.
Theo dữ liệu của Cục đăng ký Giao dịch đảm bảm, pháp nhân lõi của Tập đoàn Hoa Lâm là CTCP Đầu tư phát triển Hoa Lâm cùng từng thế chấp nhiều tài sản tại Vietbank.
Đơn cử như việc Hoa Lâm từng thế chấp toàn bộ các quyền của Bên bảo đảm phát sinh từ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh 4B Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1 giữa CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm và Công ty Hải Thành. Hay doanh nghiệp này cũng từng đem 50.000 cổ phần phổ thông của Vietbank đem thế chấp tại Ngân hàng Bản Việt.
“Dấu gạch nối” giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Ngân hàng Vietbank
Thuộc nhóm các ngân hàng có quy mô không lớn trên thị trường, hiện Chủ tịch HĐQT của VietBank là ông Dương Nhất Nguyên. Ông Nguyên sinh năm 1983, là con trai ông Dương Ngọc Hòa – nguyên Chủ tịch HĐQT VietBank và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Mối quan hệ gia đình này cũng phần nào lý giải vì sao VietBank là đơn vị “quen mặt” đóng vai trò thu xếp dòng tiền, cấp tín dụng cho các doanh nghiệp “họ” Hoa Lâm.
Về Tập đoàn Hoa Lâm, doanh nghiệp được thành từ năm 1993 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Nhất Nguyên, sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm.
Đến năm 1999, công ty TNHH Thương mại sản xuất Hoa Lâm được thành lập và tập trung vào việc sản xuất xe gắn máy với thương hiệu chính là Halim. Năm 2004, để hướng đến hoạt động đa dạng đa nghề, Công ty Cổ phần Ô tô – Xe máy Hoa Lâm chuyển đổi sang tên mới thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, đồng thời thành lập liên doanh Hoa Lâm – Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.
Năm 2006, Tập đoàn Hoa Lâm bắt đầu lấn sân vào thị trường tài chính – ngân hàng khi đầu tư vào Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Trên website chính thức, Tập đoàn Hoa Lâm khẳng định: “Năm 2006, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín, nơi ông Dương Ngọc Hòa là Chủ tịch HĐQT. Đây cũng là cách để Tập đoàn Hoa Lâm củng cố và mở rộng tiềm lực tài chính vững mạnh”.
Trong lĩnh vực y tế, Tập đoàn Hoa Lâm đang đầu tư và phát triển Khu kinh tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm – Shangri-la, Bệnh viện Quốc tế City, Phòng khám Đa khoa Quốc tế City và Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm, Bệnh viện Gia An 115.
Một chi tiết đáng chú ý, toàn bộ máy móc y tế đang vận hành tại Bệnh viện Gia An 115 đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho lô trái phiếu trị giá 250 của Công ty TNHH Bất động sản Thành Đông Đô.
Hiện nay, Tập đoàn Hoa Lâm cũng đang sở hữu và đầu tư một số dự án động sản ở trung tâm TP.HCM, trong đó có cao ốc Lim Tower 1 và 2, tòa nhà Vietbank, khu dân cư 2 - 3 - 4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2).
Hiếu Nguyễn