Kỳ 2: Họa sỹ cổ động
Tham gia vào Thanh niên xung phong (TNXP) từ khi 17 tuổi, họa sỹ Trường Sinh được phân công làm cán bộ công tác tại Ban Tuyên huấn đội 34-40 TNXP, viết tin, vẽ tranh cổ động để cổ vũ tinh thần trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Họa sỹ Trường Sinh sinh ra và lớn lên ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), quê hương của truyền thuyết dưa hấu Mai An Tiêm. Năm 1948, lúc đó ông đang học cấp 2, có năng khiếu vẽ tranh, nên được Tỉnh đoàn Thanh niên Thanh Hóa tiếp nhận vào làm công tác viết vẽ litô tại Ban tuyên huấn Tỉnh đoàn. Đang tuổi đi học nên ông được Tỉnh đoàn đặc cách vừa đi học văn hóa, vừa làm việc.
Hoạ sỹ Trường Sinh và bức tranh cổ động duy nhất còn lại khi vẽ ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Ảnh: P.L |
Cuối năm 1953, Trung ương cử đoàn cán bộ về Thanh Hóa tuyển quân tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Khi ấy, ông Sinh đang làm việc tại Ban tuyên huấn Tỉnh đoàn Thanh Hóa, được điều động đi tham gia công tác tại đội 34 TNXP mới thành lập. Đầu tháng 12/1953, đơn vị ông nhận được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. “Xuất phát từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đến dốc Kun, suối Rút (Hòa Bình) rồi đến đường 41; đêm đi, ngày nghỉ để đảm bảo bí mật, trên đường đi chúng tôi gặp rất đông đơn vị bộ đội ngụy trang mang theo khí tài. Dân công gánh gồng, xe thồ chở lương thực vũ khí cũng đang hành quân cùng đường lên chiến dịch…”, hoạ sỹ Trường Sinh nhớ lại.
Điểm tập kết đầu tiên của đơn vị là khu rừng Chiềng Đông (Sơn La). Sau đó, các đơn vị TNXP được chia ra, đóng chốt rải rác trên tuyến đường từ đèo Chẹn, ngã ba Cò Nòi, Mộc Châu, Yên Châu, Chiềng Đông, Nà Sản, Sơn La, Thuận Châu, vượt qua đèo Pha Đin đến Tuần Giáo rẽ vào Điện Biên Phủ.
Bức tranh cổ động được vẽ trong nhật ký của họa sỹ Trường Sinh. Ảnh: P.L |
Vì biết viết vẽ litô, nên họa sỹ Trường Sinh được chỉ định vào công tác tại Ban tuyên huấn của Đội 34 TNXP. Nhiệm vụ chủ yếu của các cán bộ tuyên huấn là làm các công việc để động viên, khích lệ tinh thần anh em, sẵn sàng chiến đấu. Khi đó, ông thường đi xuống các đại đội TNXP ở các nơi lấy tư liệu về viết và biên soạn thành bản tin nội bộ, viết vẽ trên bản in litô (bản viết chữ ngược), sau đó in ra những bản tin đưa xuống các đơn vị TNXP làm tài liệu tuyên truyền, cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần anh em các đại đội TNXP tiếp tục hăng hái tham gia lao động.
Ngày đó, công việc mở đường vào chiến dịch là rất gian khổ. Anh em tham gia mở đường gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Dụng cụ làm việc thủ công, xẻ núi làm đường toàn bằng cuốc, xẻng. Phá bom nổ chậm bằng… tay. Anh em đa phần còn trẻ, chưa quen lao động vất vả nên tinh thần một số người cũng nản. “Tin tức của chúng tôi lúc đó chủ yếu là những tin tức về các đơn vị TNXP của đội 34 và 40 mở đường thành công, san lấp hố bom, phá đá mở rộng đường. Những tin tức về sáng kiến công tác phá bom, mở đường nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian công sức cho anh em TNXP; rồi cả tin những tấm gương của các TNXP dũng cảm chiến đấu… đã là động lực rất lớn”, họa sỹ Trường Sinh tâm sự.
Qua một thời gian, ông Sinh nhận thấy nếu chỉ tuyên truyền bằng những tin tức trên các bản tin thì nghèo nàn quá, hiệu quả không cao. Nhớ đến những lần ở quê, đã từng vẽ những bức tranh cổ động bà con nông dân hăng hái sản xuất rất có hiệu quả, nên ông đã đề nghị lãnh đạo đơn vị cho phép viết vẽ khẩu hiệu, vẽ những bức tranh cổ động để tuyên truyền cổ vũ kịp thời tinh thần anh em.
Được đồng chí Trần Dân - khi đó là Đội trưởng - tán thưởng, khuyến khích và tạo điều kiện, anh em trong đơn vị đã sắp xếp thời gian cho ông sáng tác tranh cổ động. Bức tranh cổ động được ông vẽ đầu tiên trong năm 1954 mang tên “Đội TNXP đang đào núi, cuốc đất mở đường”, vẽ cảnh anh em TNXP lên mặt đường bảo vệ con đường, khi ánh mặt trời vừa ló dạng. “Bức tranh này khi được vẽ xong, nhiều anh em thích xem. Đồng chí đội trưởng cũng rất thích, nên đã phân công tôi vẽ, in litô và phóng lớn sử dụng trong nội bộ. Đồng chí còn giao nhiệm vụ tiếp tục sáng tác tranh cổ động cho đơn vị để cổ vũ tinh thần anh em lao động. Thú thực, khi đó anh em TNXP cái gì cũng đói: đói văn hóa, phim ảnh, xa quê hương nên nhớ nhà, nhớ người thân… Chính vì vậy, khi những bức tranh cổ động ra đời, chưa đẹp lắm nhưng anh em rất phấn khởi”, họa sỹ Trường Sinh tâm sự.
Thế là, hàng ngày, ngoài việc xuống các đơn vị lấy tin, ông lại có thêm việc là vẽ tranh cổ động. Vẽ thì ông không ngại, nhưng khó nhất là không có giấy. Công tác ở ban tuyên huấn, nên thỉnh thoảng ông kiếm được vài mẩu giấy, rồi tranh thủ lấy những tờ báo cũ, chỗ nào tận dụng được thì vẽ tranh. Không có giấy, vải cỡ lớn, anh em nghĩ ra cách đan những tấm cót lớn rồi viết, vẽ khẩu hiệu lên trên cót rồi chăng lên. Lúc đầu, chỉ là những bức tranh cổ động được vẽ bằng bút mực với 2 màu trắng đen, về sau, anh em trong đội ai đi công tác lại tranh thủ mua một thỏi mực nho làm màu cho ông vẽ.
Những bức tranh ông vẽ trong thời gian ở chiến trường rất nhiều, nhưng đáng tiếc là ông không giữ được. Chỉ có duy nhất một bức ông vẽ phác họa trong cuốn nhật ký của mình còn giữ được cho đến hôm nay. Đó là bức tranh cổ động mang tên “Đội 34 và 40 TNXP Điện Biên Phủ anh hùng”. Bức tranh vẽ hình ảnh các TNXP vác xẻng, cuốc chim là những dụng cụ để phá đá mở đường, và một quả bom nổ chậm bị cắt làm đôi.
Bức tranh ấy được họa sỹ Trường Sinh nâng niu, gìn giữ cho đến tận bây giờ. “Bởi, bức tranh đó gợi cho tôi nhớ lại những ngày tháng hào hùng khi tham gia trong đội TNXP phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm”, họa sỹ Trường Sinh tâm sự.
N.H (theo Tin tức)
Đón đọc kỳ tới: Người anh hùng cứu đạn pháo