(ĐS&PL) – Một cựu thanh niên xung phong hỏa tuyến từng tham gia DCHT tại Lào, rồi bị thương trên đường đi tải đạn. Năm 2001, bà làm hồ sơ theo nghị định 28 của chính phủ và được hưởng chế độ. Tuy nhiên, năm 2013, bà bỗng bị cắt chế độ vì một lá đơn tố cáo và lời khai của hai người dân.
Trong đơn gửi Báo ĐS&PL, bà Lý cho rằng, người tố cáo bà có động cơ không lành mạnh, trong khi quy trình cắt chế độ của bà dường như đã được “lập trình” và làm một cách quá “ẩu”.
Bị thương trên đường tải đạn
Thấy mình bị cắt chế độ với lý do không rõ ràng, bà Lý đã viết đơn gửi cơ quan có thẩm quyền để đòi lại quyền lợi. Tuy nhiên, khi đơn yêu cầu chưa được trả lời, thì bà đã bị cắt chế độ, truy thu trợ cấp hàng tháng, thu hồi giấy chứng nhận... Trong đơn thư kêu cứu gửi cho Báo ĐS&PL, bà Lương Thị Lý (SN 1956) trú tại xã Đức Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết: Tháng 7/1973, bà tình nguyện tham gia TNXP và được bố trí vào đơn vị C533-N55-P18, hoạt động tại địa bàn đường 8, 15A. Đến 11/1974, bà tiếp tục đi DCHT tại Lào.
Bà Lý cho rằng: “Hồ sơ xin hưởng chế độ ban đầu của tôi đã bị người khác đánh tráo”. |
Trong lúc làm nhiệm vụ bốc đạn lên xe ô tô chở vào thủ đô Viêng Chăn thì bà bị trượt chân ngã, ngực đập vào thành xe, hòm đạn đập vào bàn chân trái bị rạn xương không đi được, nên bà được chuyển về tuyến sau, đưa vào Viện 176 Lào điều trị 10 ngày tại đây. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà trở về địa phương lập gia đình và tham gia nhiều hoạt động, chức vụ tại xã nhà.
Năm 2001, khi Chính phủ ra Nghị định 28 về việc trả chế độ cho người có công, bà được ông Phùng Đức Thiện (lúc này phụ trách mảng TBXH xã) hướng dẫn làm hồ sơ để hưởng chế độ. Vì giấy tờ liên quan bị mất trong đợt bão năm 1978, để bổ sung vào hồ sơ, bà đã gặp ông Võ Văn Bút (nguyên là đại đội trưởng, trú tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn) và ông Nguyễn Minh Tam (đại đội phó, trú tại xã Trung Sơn, huyện Hương Sơn) để làm chứng. Năm 2003, bà Lý được đưa đi giám định thương tật và được hưởng chế độ. Tuy nhiên, đến 11/2013, bà bỗng bị cắt chế độ một cách khó hiểu.
Ngày 19/7/2013, bà Lý nhận được kết luận số 1173/KL-UBND của huyện Đức Thọ kết luận nội dung đơn tố cáo đối với bà. Sau khi nhận được thông báo kết luận, bà Lý đã viết đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại kết luận đó vì có nhiều nội dung thiếu cơ sở pháp lý. Trong khi bà Lý đang gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết, Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 16-QĐ/SLĐTBXH ngày 6/8/2013 về việc hủy bỏ chế độ thương tật của bà Lương Thị Lý khi làm nhiệm vụ tại nước Lào.
Ông Lân khẳng định không làm chứng trong hồ sơ của bà Lý, chữ kí, chữ viết của ông là có người giả mạo. |
Bà Lý thắc mắc: “Tại sao trong khi tôi đang viết đơn khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền thì Sở LĐTBXH Hà Tĩnh vẫn ban hành quyết định cắt bỏ chế độ thương tật của tôi? Rõ ràng đây là quyết định hoàn toàn vi phạm Luật khiếu nại tố cáo”, bà Lý nói.
Nghi hồ sơ bị đổi?
Bà Lý tham gia dân DCHT tại xã Sơn Thọ, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang). Nhưng khi lập hồ sơ xin hưởng chế độ, thì lại ghi bà tham gia DCHT tại xã Đức Yên, huyện Đức Thọ. Về điều này, bà Lý giải thích: Nguyên quán gia đình bà vốn tại xã Đức Yên, Đức Thọ, di dân theo chủ trương của Đảng, Nhà nước lên xã Sơn Thọ. Tại đây, bà tham gia DCHT, kết thúc đợt DCHT ấy, bà trở về quê hương. Lúc này, gia đình đã chuyển về quê cũ tại xã Đức Yên. Trên thực tế, trong lý lịch Đảng viên của bà vẫn ghi tham gia DCHT tại xã Sơn Thọ.
Giấy cam đoan không làm chứng cho bà Lý của ông Nguyễn Đình Lân. |
Về người làm chứng, bà cho rằng các loại giấy tờ của người làm chứng thứ 2 cho bà không có ông Nguyễn Đình Lân, trú tại Thị trấn Đức Thọ. Bởi vì ông Lân tuy cùng tham gia đợt DCHT với bà tại Lào nhưng không phải là cán bộ, cũng không phải là Đảng viên nên bà không thể nhờ ông Lân làm chứng được. Theo bà Lý, trong hồ sơ xin hưởng chế độ của bà không có chữ kí, chữ viết của ông Lân (gồm: 01 văn bản viết tay “Giấy chứng nhận cá nhân” ngày 20/7/2001; 01 văn bản Sơ yếu lý lịch viết tay khai ngày 20/7/2001) mà cả 2 văn bản trên đều là giấy tờ mạo danh, mạo chữ kí, chữ viết của ông Lân. Về việc này, ông Nguyễn Đình Lân cũng xác nhận và viết giấy cam đoan các văn bản người làm chứng thứ 2 của ông không phải là chữ viết, chữ kí của ông.
Bà Lý còn băn khoăn không hiểu tại sao trong hồ sơ xin hưởng chế độ ban đầu của bà, người làm chứng thứ 2 là ông Võ Văn Bút (vốn là Đại đội trưởng, trưởng đoàn DCHT huyện Hương Sơn) - người chứng kiến bà bị thương thương trong khi làm nhiệm vụ - lại không được đề cập đến hoặc không có trong hồ sơ? Thay vào đó, người làm chứng thứ 2 vốn không đúng cơ sở pháp lý (ông Nguyễn Đình Lân) lại có trong hồ sơ của bà?
Trước việc cơ quan thẩm quyền cắt chế độ, bà Lý cho rằng: “Văn bản số 48/LĐTBXH-TTr ngày 18/11/2013 của Thanh tra sở LĐTB&XH có nhiều uẩn khúc và hồ sơ xin hưởng chế độ ban đầu của của bà đã bị đánh tráo, từ chỗ đúng quy định chuyển sang không đúng quy định, nên bà bị cắt chế độ, truy thu trợ cấp hàng tháng, thu hồi giấu chứng nhận…”.
“Lúc tôi bị thương trong khi làm nhiệm vụ, có rất nhiều người chứng kiến. Đó là cơ sở pháp lý để tôi được hưởng chế độ theo đúng quy định. Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại để có một kết luận thấu tình đạt lý”, bà Lý cho biết.
Lê Giáp – Lê Quyết
Trao đổi với phóng viên, bà Lý cho biết: “Nguyên nhân tôi bị cắt chế độ bắt nguồn từ việc mâu thuẫn với bà N.T.H (Phó bí thư Đảng ủy xã Đức Yên)". Sau khi sát nhập thôn xóm và bầu người làm vệ sinh môi trường thôn xóm, bà H. đã đưa em con chú vào làm công việc này. Bà Lý có góp ý với xóm trưởng nên bầu những người có hoàn cảnh khó khăn để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho họ. Tuy nhiên, bà H. biết chuyện nên đã tìm gặp vừa chỉ tay vào mặt vừa nạt nộ và đòi bẻ răng bà Lý. Sau đó không lâu, ông N.H.Đ (có họ hàng với bà H.) đến nhà gây sự và dọa tố cáo bà Lý liên quan chế độ thương binh mà bà Lý đang được hưởng (?!). |