Theo thống kê, 10 năm qua ở Thanh Hóa đã có 31 người chết do bệnh dại, hơn 85.000 người phải điều trị dự phòng do bệnh dại.
Thông tin trên báo Lao Động, tính riêng từ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 4 ổ bệnh dại trên động vật, làm chết 2 người và 86 người bị phơi nhiễm.
Ngoài ra, trung bình hằng năm, tại tỉnh này, có khoảng 10.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và sức khoẻ người dân.
Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh dại gia tăng là do chưa quản lý được đàn chó, mèo, tình trạng chó thả rông còn phổ biến; công tác rà soát, thống kê số lượng chó, mèo tại các địa phương chưa chính xác dẫn đến tỉ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine phòng bệnh dại thấp; virus dại còn lưu hành trên động vật; chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, chó thả rông; lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế...
Trước tình hình bệnh dại có diễn biến phức tạp, để ngăn chặn và kiểm tra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị yêu cầu lãnh đạo, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.
Trong chỉ thị chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo, các đơn vị, địa phương chú trọng xử lý triệt để tình trạng chó thả rông; tiêm vaccine bệnh dại cho chó, mèo; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh dại...
Theo Bộ Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/1/2024 đến 20/2/2024, cả nước đã xảy ra 17 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 12 tỉnh, TP và 18 ca tử vong trên người ở 14 tỉnh, TP (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023), thông tin trên báo Người Lao Động.
Thùy Dung (T/h)