Theo The Paper, ngày 27/2 (giờ địa phương), Ngân hàng Thế giới cho biết hai trận động đất mạnh xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2 đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp khoảng 34,2 tỷ USD, tương đương khoảng 4% GDP của nước này trong năm 2021. Chi phí tái thiết và phục hồi mà đất nước phải đối mặt sẽ cao gấp đôi, trong khi tổn thất GDP do sản xuất kinh tế bị gián đoạn cũng sẽ gia tăng thiệt hại mà trận động đất gây ra.
Các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất là ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, báo cáo cho biết. Hatay, Karamanmaras và 5 tỉnh khác chiếm 81% tổng thiệt hại ước tính. 5 tỉnh này có dân số 6,45 triệu người, chiếm 7,4% tổng dân số Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số khu vực của các tỉnh phía nam là nơi có tỷ lệ nghèo cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang tiếp nhận hơn 1,7 triệu người tị nạn Syria dưới sự bảo vệ tạm thời.
Báo cáo cho biết thêm, khoảng 1,25 triệu người tạm thời mất nhà cửa vì nhà của họ bị hư hại hoặc sụp đổ hoàn toàn. Chiến lược hiện tại của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm phá dỡ các tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng và sơ tán các tòa nhà bị hư hại vừa phải cho đến khi đáp ứng các điều kiện để gia cố lại.
Humberto Lopez, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: "Thảm họa này như một lời nhắc nhở về nguy cơ địa chấn cao ở Thổ Nhĩ Kỳ và sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng công cộng và tư nhân".
Ngân hàng Thế giới đã cung cấp 780 triệu USD viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hai dự án hiện có ở nước này và 1 tỷ USD thông qua một dự án tái thiết khẩn cấp mới.
Các trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ vào ngày 6/2 là thảm hoạ động đất tồi tệ nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ và đến nay đã khiến hơn 44.300 người nước này thiệt mạng.
Hoa Vũ (Theo The Paper)