+Aa-
    Zalo

    Thảm án liên tiếp: Hậu quả của việc “thả rông” game bạo lực?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong khi nhiều phim hành động, phim kinh dị bắt buộc khi phát hành phải có cảnh báo rõ ràng thì game hành động, bạo lực lại được “thả rông”.

    (ĐSPL) - Trong khi nhiều phim hành động, phim kinh dị bắt buộc khi phát hành phải có cảnh báo rõ ràng tới đối tượng người xem về những hệ luỵ xấu thì game hành động, bạo lực lại được “thả rông”. Điều đáng bàn, khoa học và thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều vụ thảm án lại có nguồn gốc từ game bạo lực. Sự bất hợp lý trên đang tồn tại trong thời gian dài nhưng cơ quan quản lý vẫn “bình chân như vại”?

    Thảm án liên tiếp: Hậu quả của việc “thả rông” game bạo lực?

    Người tâm thần gây án... do game bạo lực

    Thực tế, hàng ngày những hệ luỵ xấu từ game bạo lực vẫn phát sinh nhiều lên và mức độ càng nghiêm trọng. Câu chuyện, vì “nghiện game” dẫn tới giết người, cướp của không còn là chuyện lạ. Thậm chí, tội phạm ngày càng trẻ hóa từ game cũng đã hình thành.

    Mới đây nhất là thảm án ở Hải Dương, khiến 4 người thiệt mạng. Theo thông tin PV báo Đời sống và Pháp luật tìm hiểu được, kẻ gây ra vụ việc kinh hoàng trên là Phạm Duy Quý (SN 1993) trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà. Trước khi ra tay sát hại người nhà, hắn đã chơi game Đột kích – một game bạo lực chứa đựng cảnh bắn nhau được giới trẻ rất thích thú trong thời gian qua.

    Trao đổi với PV về đối tượng Quý, bà Như Thị Chín, Trạm trưởng trạm Y tế cho biết, Quý trước đó có những dấu hiệu của bệnh lý tâm thần. Mẹ của Quý từng kể cho bà Chín nghe về những biểu hiện bệnh, đồng thời nhờ tư vấn điều trị. Những lần như thế, bà Chín đều khuyên gia đình nên đưa Quý đến bệnh viện để thăm khám, theo dõi triệu chứng bệnh, mua thuốc điều trị. Tuy nhiên, gia đình không làm theo tư vấn.

    Xung quanh thảm án này, nhiều người cho rằng, sở dĩ Quý có thể “ra tay” một cách lạnh lùng và dã man đối với người thân của mình là do Quý bị bệnh tâm thần, lại tiếp xúc với game bạo lực lâu ngày. Thảm án này là một minh chứng cho thấy hệ luỵ khôn lường khi game bạo lực phát hành mà không kèm theo những cảnh báo đối với người chơi.

    Liên quan đến vấn đề này, TS  tâm lý Trịnh Hoà Bình cho rằng, có một thực tế từ khi internet, phim hành động tràn vào Việt Nam, các vụ án mạng cứ thi nhau xảy ra. Trường hợp, có kẻ tâm thần giết người vì vô tình xem được bộ phim về ma quái và tưởng tượng người thân mình chính là những con quái vật đó. Hay có những kẻ tưởng bố, mẹ mình là một nhân vật trong game rồi vung tay giết hại.

    TS. Trịnh Hoà Bình cho biết, kết quả nghiên cứu của trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội và Truyền thông đại chúng, chỉ trong vòng 4 năm (2006-2010) số lượng người chơi game ở Việt Nam tăng gấp 4 lần (từ 1 triệu người lên 8 triệu người) với rất nhiều thể loại game đa dạng và phong phú như: Nhập vai kiếm hiệp, bắn súng... Trong đó, một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ đang mê đắm trong thế giới ảo đầy bạo lực, chém, giết...

    Theo thời gian, game bạo lực đã và đang ăn mòn đạo đức của họ, đẩy không ít thanh niên trẻ vào con đường phạm trọng tội. Tính bạo lực trong game online hiện nay ngày càng tinh vi, hung dữ hơn. Nếu trước đây, trong một trò game, các nhân vật chỉ đánh bằng tay thì ngày nay được trang bị hàng loạt vũ khí có tính sát thương cao hơn và "giết" được nhiều người hơn.

    Việc các bộ phim, game miêu tả quá kỹ cảnh quay giết người, vô hình trung đã tạo ra một “kịch bản” để những kẻ không làm chủ được bản thân, làm chủ được cảm xúc như Quý gây thảm án. Đối với người tâm thần, khi bị kích động mạnh, trong trạng thái vô thức, bỗng nhiên đoạn phim, đoạn game chạy qua đầu, họ sẵn sàng hành xử theo sự “hướng dẫn” đó. Tôi cho rằng, nếu không được xem, không được chơi game, chưa chắc những kẻ tâm thần đã gây ra các vụ đại án man rợ đến như vậy.

    Cái kết đã được dự báo trước cho việc “thả rông” game bạo lực?

    Game bạo lực làm biến đổi nhân cách của trẻ.

    Công tác quản lý vẫn giậm chân tại chỗ

    Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với P.V báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, cần có những quy định bắt buộc các trò chơi game, đặc biệt là game bạo lực phải có những cảnh báo đến các đối tượng người chơi.

    Lý giải về vấn đề này, ĐBQH Đào Trọng Thi cho rằng, những tác động xấu của game bạo lực đối với người chơi, đặc biệt là trẻ em đã được chỉ ra tại nhiều công trình nghiên cứu khoa học và bản thân thực tế đã có những hệ luỵ rất đau lòng. Việc trẻ em nghiện game, bị game kích động đã tự tay giết chết bố mẹ, anh chị, ông bà của mình xảy ra ngày một nhiều. Nhưng có một sự thật là hiện nay nhan nhản game bạo lực nhưng không hề có bất cứ một cảnh báo nào đối với người chơi.

    Một nghịch lý đang tồn tại,  khi phim hành động, bạo lực, kinh dị luôn có những cảnh báo và quy định cấm đối với một số đối tượng người xem nhưng game bạo lực thì không. Công tác quản lý đối với game và trò chơi  trực tuyến còn nhiều sơ hở đáng báo động.

    Việc game phát hành mà chưa có những cảnh báo cụ thể như việc chơi game nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, học tập của các em, thậm chí có thể gây chứng bệnh tâm thần, hoang tưởng.  Do đó, đã đến lúc phải có quy định buộc các nhà sản xuất game đưa ra cảnh báo, thậm chí phân loại các trò chơi cho từng lứa tuổi.

    “Tôi cho rằng, việc phim ảnh có những phân loại cụ thể cho từng lứa tuổi, thậm chí nhiều phim cấm không cho trẻ em xem, nhiều phim kinh dị, hành động  cảnh báo đối với những người có tiền sử một số loại bệnh tật. Chính vì thế, trong công tác quản lý game cũng cần thiết như vậy, cần phân loại và có cảnh báo rõ ràng cho từng đối  tượng. Cần thiết phải quan tâm và quản lý chặt chẽ hơn với game và các trò chơi trực tuyến, cho dù việc quản lý game có khó khăn đi nữa thì chúng ta vẫn phải quyết liệt hơn trong hành động”, ông Thi nhấn mạnh.

    Tội phạm nghiện game trở nên phổ biến

    Trong một nghiên cứu về điều kiện khiến người chưa thành niên phạm tội, khi khảo sát 2.599 đối tượng vi phạm pháp luật hình sự được giáo dục tại 4 trung tâm giáo dưỡng của bộ Công an ở các tỉnh, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai và Long An, có tới 70\% số đối tượng thích chơi game mang tính bạo lực, trong đó có 25\% nghiện game nặng, tức là mỗi ngày nếu các em không được chơi game từ 1 - 3 giờ thì không thể chịu được. 70\% các em thường xuyên xem phim hoặc chơi các loại game sex (nhất là các em ở lứa tuổi 12 - 16). Trong game có đến 77\% là bạo lực, 9\% là cờ bạc và chỉ có 14\% là giải trí.

    Game bạo lực biến đổi nhân cách trẻ

    Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này, PV được biết: Game bạo lực có tác động làm thay đổi nhân cách một người bình thường. Nhiều trường hợp trở nên tàn nhẫn và độc ác hơn.

    Cũng theo một nghiên cứu mới công bố ngày 4/8 trên tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội của Mỹ, những trò chơi video mang tính bạo lực có thể làm tăng nguy cơ phạm tội và những nguy cơ khác như hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia ở các game thủ trong độ tuổi thanh thiếu niên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ giữa việc "nghiền" những trò chơi trên và những thay đổi trong cư xử.

    Người chơi có những thay đổi về nhân cách, khiến họ trở nên hung dữ, nổi loạn và bị kích động. Những tác động của game bạo lực không chỉ dẫn tới hành động hung hăng mà còn hơn thế là những nguy cơ đáng lo ngại như lạm dụng chất kích thích, lái xe liều lĩnh và hành vi tình dục không an toàn.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-an-lien-tiep-hau-qua-cua-viec-tha-rong-game-bao-luc-a45823.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.