+Aa-
    Zalo

    Thái Nguyên: Chủ động phòng, chống trước diễn biến thiên tai bất thường

    (ĐS&PL) - UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Công văn số 3238/UBND-CNN&XD về tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trước và trong mùa mưa bão.

    Để đảm bảo an toàn giao thông, giao thông thông suốt trong mùa mưa bão năm 2024 trên hệ thống đường do địa phương quản lý, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn khẩn trương tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất trước và sau mùa mưa bão.

    Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra tình trạng các công trình có nguy cơ hư hỏng ngay trong thời gian xảy ra thiên tai, bão, lũ đối với các công trình thuộc phạm vi quản lý như cầu, cống, hầm đường bộ, ngầm tràn, cầu phao, bến phà, tường chắn, hệ thống thoát nước, các vị trí nền đào sâu, đắp cao... để phát hiện các dấu hiệu bất thường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn công trình, có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định hiện hành.

    Trong đó lưu ý đối với công trình cầu, cần kiểm tra tình trạng làm việc của mố, trụ cầu; Kiểm tra tình trạng xói lở của móng mố, móng trụ cầu, móng tường chắn bảo vệ công trình đường bộ (nếu có); Kiểm tra dầm, giàn, khung, kết cấu nhịp cầu; Kiểm tra gối cầu; Kiểm tra các bộ phận khác của cầu; Kiểm tra các công trình phòng hộ và điều tiết dòng chảy như kẻ hướng dòng, kè ốp mái nền đường dẫn...; Kiểm tra các chướng ngại vật có thể làm cản trở, thay đổi dòng chảy trước và sau cầu;

    Ảnh minh hoạ

    Ảnh minh hoạ

    Đối với phần đường đầu cầu, kiểm tra mặt đường, nền đường, bề rộng, kích thước đường và các dấu hiệu bất thường (nếu có);

    Đối với cầu treo, dây văng ngoài các nội dung trên, chú ý kiểm tra các hố thế (cầu treo), neo cáp (cầu dây văng); kiểm tra sự làm việc của hệ thống cáp treo bao gồm cả trụ tháp, cổng cáp, vị trí cáp trên đỉnh cổng cáp, thanh treo, thanh đứng và các bộ phận khác của cầu treo; theo dõi tốc độ gió trên cầu.

    Đối với công trình hầm, tiến hành kiểm tra trước cửa hầm và khu vực xung quanh cửa hầm để kịp thời phát hiện hiện tượng sạt lở taluy hoặc các yếu tố gây mất an toàn giao thông khác; Kiểm tra hệ thống thoát nước của hầm; Kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy trong hầm; Kiểm tra các thiết bị vận hành hầm như hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió...

    Đối với công trình ngầm, tràn, kiểm tra tình trạng kỹ thuật của kết cấu công trình; Kiểm tra, bổ sung cột thủy chí đo mực nước dâng (nếu chưa có hoặc bị hư hỏng).

    Đối với hệ nổi, cầu phao, phà và ca nô, kiểm tra tình trạng kỹ thuật, bảo trì, sửa chữa đảm bảo phương tiện hoạt động tốt; Kiểm tra hệ thống bơm nước của phương tiện; Kiểm tra, cố định các đồ vật trên phương tiện bảo đảm không bị xô lăn,đổ, vỡ trong quá trình vận hành phương tiện; Kiểm tra, bố trí đầy đủ thiết bị cứu sinh, cứu hỏa; Thường xuyên theo dõi dòng chảy và điều kiện thời tiết để có phương ánvận hành phù hợp.

    Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và xử lý hư hỏng công trình bảo đảm giao thông an toàn thông suốt. Cụ thể, các địa phương tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, tổ chức nạo vét hệ thống thoát nước thông thoáng, thanh thải lòng suối tại các cầu, cống trước mùa mưa bão; tu sửa hệ thống báo hiệu tại các vị trí ngầm tràn, các vị trí có nguy cơ sạt lở...; khi xảy ra mưa lũ, bão lụt phải tổ chức lực lượng trực gác để có giải pháp xử lý kịp thời bảo đảm an toàn giao thông.

    Trong trường hợp có mưa lũ cần kiểm tra, theo dõi các vị trí xung yếu để có biện pháp hạn chế, phân luồng giao thông hoặc dừng khai thác nếu có nguy hiểm; bố trí người trực gác, hướng dẫn trong thời gian hạn chế sử dụng để đảm bảo giao thông.

    Đối với khu vực bị ngập do nước dâng cần phải theo dõi mực nước để tổ chức giao thông phù hợp; khi mực nước dâng cao phải có biện pháp hạn chế, phân luồng giao thông hoặc dừng khai thác khi không đủ an toàn.

    Bên cạnh đó, tiến hành xử lý các hư hỏng của công trình. Đối với các hư hỏng nhỏ thuộc phạm vi quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thì yêu cầu nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên khắc phục kịp thời, không để phát sinh hư hỏng ảnh hưởng tới an toàn giao thông.

    Đối với các hư hỏng có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng, thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/thai-nguyen-chu-ong-phong-chong-truoc-dien-bien-thien-tai-bat-thuong-a437638.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan