Tết Hàn thực
Theo cuốn Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bích, Tết Hàn thực cố định vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Sự tích về ngày này liên quan tới câu chuyện về nhân vật tên Giới Tử Thôi của Trung Quốc. Hàn thực có nghĩa là ăn đồ lạnh.
Ở Việt Nam, ngày Tết Hàn thực không phải để tưởng nhứ Giới Tử Thôi hay kiêng đốt lửa như người Trung Quốc. Thay vào đó, người Việt sẽ tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên đã khuất. Mọi người làm bánh trôi, bánh chay để thay cho đồ lạnh, rồi sắp lên bàn cúng gia tiên, thần phật.
Tết Thanh minh
Cuốn Phong tục Việt Nam của Phan Kế Bích nêu rõ trong khoảng tháng 3 có một tiết hậu gọi là Thanh Minh. Nhiều gia đình chọn dịp này để đi thăm mộ người thân, phát quang cỏ rậm, đắp bồi nơi đất khuyết rồi về nhà làm mâm cỗ cúng gia tiên.
Tết Thanh minh (còn gọi là tiết Thanh minh) là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí trong cách lập lịch theo quan niệm của nhiều quốc gia phương Đông. Nhiều người vẫn lầm tưởng Tiết Thanh minh được xem bằng âm lịch nhưng trên thực tế, ngày này lại được tính bằng dương lịch hiện đại.
Tiết Thanh minh không có ngày cố định, đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Thời gian bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 của tháng 4 (sau khi kết thúc tiết xuân phân) và kết thúc vào khoảng ngày 20 hoặc 21 tháng 4 theo dương lịch.
Tết Hàn thực có phải Tết Thanh minh không?
Tết Hàn thực và Tết Thanh minh có chung nguồn gốc, đều bắt nguồn từ Trung Quốc thời Xuân Thu Chiến Quốc. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công của nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay ở nước Tề, mai lại sang nước Sở. Lúc đó, một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi đã theo vua giúp đỡ mưu kế.
Một ngày nọ, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng, hứa sẽ báo đáp ông trong tương lai. Giới Tử Thôi khăng khăng không muốn nhận bất kỳ sự phong thưởng nào, mà chỉ muốn ngài trở thành một vị vua anh minh sáng suốt cho nước nhà.
Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công 19 năm, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công nhưng lại quên Giới Tử Thôi.
Tuy nhiên, Giới Tử Thôi không hề oán giận, cho rằng mình làm việc gì cũng là nghĩa vụ, không có công lao đáng nói. Do đó, ông đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tới khi Tấn Văn Công nhớ ra và cho người đi tìm, Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng.
Tấn Văn Công nghe theo lời khuyên của một cận thần, câm lửa đốt ở 3 phía ngọn núi để ép Giới Tử Thôi ra ngoài nhưng ông nhất định không ra, cuối cùng chết cháy cùng mẹ. Thi thể Giới Tử Thôi sau đó được tìm thấy, dựa vào một cây liễu lớn và được chôn ngay tại đó.
Thương xót người hiền sĩ, Tấn Văn Công lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm).
Một năm qua đi, Tấn Văn Công và quần thần đến viếng mộ Giới Tử Thôi thì phát hiện cây liễu ngày nào tràn đầy sức sống và mọc nhiều cành mới với lá xanh mơn mởn. Nhìn thấy điều này, Tấn Văn Công nhớ cụm từ “thanh minh” trong lời di cảo của Giới Tử Thôi, liền đặt tên cho ngày này là ngày Thanh minh, tiết Thanh minh ra đời từ đó.
Từ đó về sau, Tiết Thanh minh đã trở thành một dịp lễ quan trọng của người Trung Quốc để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Bắt đầu từ thời Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận ngày này nhưng có biến đổi để phù hợp với phong tục tập quán.
Mặc dù có chung nguồn gốc nhưng Tết Thanh minh và Tết Hàn thực là hai dịp lễ hoàn toàn khác nhau. Do một số vùng gộp hai dịp này làm một nên nhiều người thường lầm tưởng Tết Thanh Minh rơi vào ngày 3/3 âm lịch.
Đinh Kim(T/h)