+Aa-
    Zalo

    Tết Thanh minh 2022 rơi vào ngày nào? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Thanh minh

    (ĐS&PL) - Mặc dù không phải là Tết lớn nhưng Tết Thanh minh mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt.

    Nguồn gốc Tết Thanh minh

    Thanh minh là một từ Hán Việt, trong đó “thanh” là khí trong, còn ‘minh” là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa tức là sang tiết Thanh minh.

    Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khi hàng năm gồm Tiết Lập Xuân, Tiết Vũ Thủy, Tiết Kinh Trập, Tiết Xuân Phân, Tiết Thanh Minh, Tiết Cốc Vũ,  Tiết Lập Hạ, Tiết Tiểu Mãn,  Tiết Mang Chủng, Tiết Hạ Chí, Tiết Tiểu Thử,  Tiết Đại Thử,  Tiết Lập Thu, Tiết Xử Thử, Tiết Bạch Lộ,  Tiết Thu Phân,Tiết Hàn Lộ, Tiết Sương Giáng, Tiết Lập Đông, Tiết Tiểu Tuyết,  Tiết Đông Chí, Tiết Tiểu Hàn, Tiết Đại Hàn.

    Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 60 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Tết Thanh minh chính là ngày đầu tiết của tiết khí này.

    tet thanh minh 2022 roi vao ngay nao nguon goc y nghia tet thanh minh
    Tết Thanh minh mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Ảnh minh họa

    Tết Thanh minh là ngày lễ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công của nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay ở nước Tề, mai lại sang nước Sở. Lúc đó, một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi đã theo vua giúp đỡ mưu kế.

    Một ngày nọ, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng, hứa sẽ báo đáp ông trong tương lai. Giới Tử Thôi khăng khăng không muốn nhận bất kỳ sự phong thưởng nào, mà chỉ muốn ngài trở thành một vị vua anh minh sáng suốt cho nước nhà.

    Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công 19 năm, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công nhưng lại quên Giới Tử Thôi.

    Tuy nhiên, Giới Tử Thôi không hề oán giận, cho rằng mình làm việc gì cũng là nghĩa vụ, không có công lao đáng nói. Do đó, ông đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tới khi Tấn Văn Công nhớ ra và cho người đi tìm, Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng.

    Tấn Văn Công nghe theo lời khuyên của một cận thần, câm lửa đốt ở 3 phía ngọn núi để ép Giới Tử Thôi ra ngoài nhưng ông nhất định không ra, cuối cùng chết cháy cùng mẹ. Thi thể Giới Tử Thôi sau đó được tìm thấy, dựa vào một cây liễu lớn và được chôn ngay tại đó.

    Thương xót người hiền sĩ, Tấn Văn Công lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3/3 đến mồng 5/3 âm lịch hàng năm).

    Một năm qua đi, Tấn Văn Công và quần thần đến viếng mộ Giới Tử Thôi thì phát hiện cây liễu ngày nào tràn đầy sức sống và mọc nhiều cành mới với lá xanh mơn mởn. Nhìn thấy điều này, Tấn Văn Công nhớ cụm từ “thanh minh” trong lời di cảo của Giới Tử Thôi, liền đặt tên cho ngày này là ngày Thanh minh, tiết Thanh minh ra đời từ đó.

    Từ đó về sau, Tiết Thanh minh đã trở thành một dịp lễ quan trọng của người Trung Quốc để tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất. Bắt đầu từ thời Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận ngày này nhưng có biến đổi để phù hợp với phong tục tập quán.

    Ý nghĩa Tết Thanh minh

    Tết Thanh minh gắn liền với đạo đức, bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên, những người đi trước. Đây là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

    Ông bà ta xưa thường đi tảo mộ vào dịp Tết Thanh minh do ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ.

    Trong tục lệ tảo mộ, ngoài thắp nhanh cho tổ tiên, người ta còn quan tâm thắp nhang cho những nấm mộ vô chủ, không người thăm viếng như để tỏ lòng thành kính với người đã mất.

    Khi đi tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh. Vào ngày Tết Thanh minh, người Việt thường chuẩn bị mâm cúng tại gia đình và phần mộ tổ tiên.

    Tết Thanh minh 2022 rơi vào ngày nào?

    Trong tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết: “Thanh Minh trong tiết tháng 3/ Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh”, ý chỉ thời gian Tết Thanh minh vào tháng 3 âm lịch. Trên thực tế ngày Tết này được tính chính thức theo dương lịch (thường rơi vào ngày 4/4 hoặc 5/4 dương lịch).

    Theo Lịch vạn niên, tiết Thanh Minh năm 2022 sẽ có chu kỳ bắt đầu từ thứ Ba, ngày 5/4/2022 (tức ngày 5/3 âm lịch năm Nhâm Dần) và kết thúc vào thứ Ba, ngày 19/4/2022 (19/3 âm lịch năm Nhâm Dần). Tết Thanh minh 2022 vào ngày 5/4 dương lịch, tức ngày 5/3 âm lịch. 

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-thanh-minh-2022-roi-vao-ngay-nao-nguon-goc-y-nghia-tet-thanh-minh-a532571.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan