Đài truyền hình NRK đưa tin, ngư dân Harald Engen ở làng Malangen (bờ Tây Na Uy) nhận được một thông báo từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Na Uy, cho biết chân vịt của một chiếc tàu ngầm đã mắc vào lưới của ông và kéo lưới đi xa khoảng 2 hải lý (3,7 km) ra ngoài biển.
Sự việc xảy ra khi chiếc tàu ngầm dài 115m chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Virginia đang trên đường rời cảng Tromso. Một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Na Uy đã phải đến trợ giúp gỡ lưới ra khỏi tàu ngầm.
"Tôi có nghe chuyện về các tàu khác từng mắc vào lưới đánh cá nhưng chưa bao giờ nghe chuyện tàu ngầm gặp phải như vậy”, ông Engen chia sẻ với tờ Barents Observer, Ông cũng cho biết mình không giận dữ và phía Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đã liên lạc để bàn về phương án đền bù.
Trung úy Pierson Hawkins - Người phát ngôn Hạm đội 6 của Mỹ đã xác nhận với Business Insider về chi tiết cơ bản của sự việc nhưng từ chối tiết lộ tên của con tàu ngầm, theo thông tin trên báo Tin Tức. Ông nói không có ai bị thương trong sự cố và cho biết cuộc điều tra nguyên nhân vẫn đang tiếp diễn.
Người phát ngôn Hạm đội 6 cũng không tiết lộ lý do tàu ngầm xuất hiện ngoài khơi Na Uy, chỉ nói rằng tàu này đang rời cảng Tromso. Liên quan đến vấn đề bồi thường, ông Hawkins cho hay khi Mỹ gây thiệt hại cho thiết bị dân sự, sẽ có quy trình yêu cầu bồi thường để đền bù thiệt hại.
Cũng theo ông Hawkins, Mỹ là một quốc gia Bắc Cực và có lợi ích an ninh lâu dài tại khu vực này. Ông nhấn mạnh rằng Hạm đội 6 đánh giá cao sự hỗ trợ của Na Uy cho các hoạt động triển khai tàu ngầm của Mỹ nhằm răn đe và bảo vệ môi trường an ninh ngày càng phức tạp tại khu vực phía Bắc.
Theo thông tin trên VnExpress, Hải quân Mỹ gần đây triển khai nhiều chiến hạm đến vùng biển gần Na Uy, giữa lúc hai nước ngày càng tăng cường hợp tác. Hồi tháng 6, Mỹ đã điều tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo USS Tennessee và tuần dương hạm USS Normandy tới vùng biển ngoài khơi Na Uy sau khi Nga tổ chức diễn tập trong khu vực.
Vào tháng 10, Lực lượng Vũ trang Na Uy thông báo về các cuộc diễn tập hải quân chung diễn ra đến hết tháng 11 với Nhóm Tác chiến tàu sân bay Harry S. Truman. Theo thông báo, tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh cũng sẽ tham gia.
Thông báo của Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi cho biết, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của nhóm tác chiến là USS Jason Dunham và USS Stout đã được triển khai cho hoạt động hàng hải thường lệ tại vùng biển quốc tế ở biển Barents. Được biết, biển Barents giáp phía Bắc Na Uy và Nga, được coi là khu vực nhạy cảm đối với Nga.
Về tàu ngầm hạt nhân USS Virginia, đây là chiếc đầu tiên thuộc lớp cùng tên, được biên chế tháng 8/2003 và có chi phí chế tạo khoảng 3 tỷ USD. Mẫu tàu ngầm hạt nhân này có lượng giãn nước 7.800 tấn, dài 115 m, tốc độ tối đa 46 km/h, với khả năng lặn sâu tới 244 m.
Virginia được đánh giá là lớp tàu ngầm hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm ra mắt, với thiết kế như chiến hạm đa năng có khả năng chiến đấu, thu thập thông tin tình báo, triển khai người nhái và phóng tên lửa hành trình.
Biến thể Block I-IV của lớp Virginia được trang bị 12 ống phóng đứng chứa tên lửa hành trình Tomahawk, 4 ống phóng ngư lôi cỡ 530 mm, cùng tên lửa diệt hạm UGM-84 Harpoon. Trong khi đó, biến thể Block V mang 12 ống phóng thẳng đứng và một mô-đun phóng chứa 28 tên lửa Tomahawk, 4 ống phóng ngư lôi và tên lửa diệt hạm.