+Aa-
    Zalo

    Mỹ lần đầu xuất kích "tia chớp tàng hình" F-35C, tấn công dữ dội căn cứ của lực lượng Houthi

    (ĐS&PL) - Lầu Năm Góc mới đây xác nhận quân đội Mỹ đã lần đầu sử dụng các tiêm kích F-35C để không kích nhiều mục tiêu của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen vào cuối tuần qua.

    Lần đầu tiên trong lịch sử, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm F-35C của Mỹ đã tham gia chiến đấu, nhắm vào các địa điểm do phiến quân Houthi kiểm soát tại Yemen. Trong cuộc họp hôm 12/11, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder cho hay tiêm kích F-35C đã tham gia các cuộc không kích nhắm vào nhiều cơ sở lưu trữ vũ khí của Houthi vào ngày 9 và 10/11.

    Không rõ F-35C đã sử dụng loại đạn nào trong nhiệm vụ chiến đấu cuối tuần qua. Chiến đấu cơ này được thiết kế để mang theo bom dẫn đường chính xác, vũ khí tấn công từ xa, và tên lửa không đối không. Sau các cuộc không kích của Mỹ, Houthi đã tấn công đáp trả vào 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Bab al-Mandab vào ngày 11/11.

    Ông Ryder cho biết, Mỹ đã "thành công" đánh chặn cuộc tấn công mà trong đó Houthi đã sử dụng ít nhất 8 tên lửa chống hạm và 8 máy bay không người lái. Ông nhấn mạnh thêm, “các tàu không bị hư hại, và không có nhân sự nào bị thương”. Động thái triển khai F-35C thể hiện cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các tuyến hàng hải trọng yếu khỏi mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái và tên lửa.

    Mỹ lần đầu xuất kích "tia chớp tàng hình" F-35C tấn công căn cứ Houthi. Nguồn: CENTCOM

    Theo Business Insider, trong đoạn video được Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ (CENTCOM) công bố trên mạng xã hội X hôm 12/11, 2 chiếc F-35C đã cất cánh từ boong tàu sân bay USS Abraham Lincoln hoạt động ở Trung Đông. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, đây là chuyến bay chiến đấu đầu tiên của F-35C. Điều này đồng nghĩa với việc cả 3 biến thể của F-35 gồm A, B, và C đều đã tham chiến.

    Không quân Mỹ đang vận hành F-35A, trong khi Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ sử dụng F-35B và F-35C. Các biến thể A và B đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Afghanistan và Iraq vào cuối những năm 2010. Tuy nhiên, F-35C hoạt động trên tàu sân bay và có giá 102 triệu USD vẫn chưa từng được triển khai thực chiến cho tới cuối tuần trước. 

    Ngoài tàu sân bay USS Abraham Lincoln, các tiêm kích F-35C mới chỉ được biên chế cho tàu sân bay USS Carl Vinson. Không có quốc gia nào khác ngoài Mỹ đang vận hành biến thể F-35C. Song một số đồng minh của Mỹ đã sử dụng các biến thể F-35A và F-35B.

    Chiến công mới nhất này cũng nối dài lịch sử chiến đấu của dòng máy bay F-35. Tháng 9/2018, F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã lần đầu thực hiện nhiệm vụ tấn công ở Afghanistan. Đến tháng 4/2019, F-35A của Không quân Mỹ đã tham chiến, nhắm vào các mục tiêu của ISIS tại Iraq.

    Dù Mỹ đã sử dụng F-35 vào chiến đấu, Israel là quốc gia đầu tiên triển khai loại máy bay này trong không chiến hồi tháng 5/2018, khi Không quân Israel tiết lộ đã sử dụng F-35 trong các nhiệm vụ ở Trung Đông. Trong khi đó, Anh đã triển khai F-35B trong hoạt động quân sự, nhưng trong các chiến dịch ở Yemen, nước này chọn sử dụng máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon thay vì F-35.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/my-lan-au-xuat-kich-tia-chop-tang-hinh-f-35c-tan-cong-du-doi-can-cu-cua-luc-luong-houthi-a481408.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan