Với nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh Hemophilia- rối loạn đông máu di truyền, chiếc thẻ BHYT được nhiều bệnh nhân ví như tấm “thẻ hoàng gia”- bảo bối của cuộc đời mình.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, 5 bệnh nhân có chi phí điều trị do quỹ BHYT chi trả cao nhất nước (tính từ đầu năm 2018 đến tháng 8/2019) đều có chung một nỗi đau mang tên “Hemophilia”- căn bệnh rối loạn đông máu di truyền. Trong quá khứ, căn bệnh này được y văn thế giới gọi là “căn bệnh hoàng gia”, bởi nó xuất hiện trong các hoàng tộc Châu Âu từ thế kỷ 18-19. Cho đến thời điểm hiện nay, dù phương pháp chữa trị có nhiều tiến bộ, nhưng Hemophilia đúng như biệt danh của nó vẫn là căn bệnh có chi phí tốn kém bậc nhất, từ vài trăm triệu cho đến cả tỉ đồng/bệnh nhân/một năm điều trị.
Ông Nguyễn Bạch Nhật là một trong 5 bệnh nhân Hemophilia có mức chi trả BHYT cao nhất |
Căn bệnh này có nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu trong, tổn thương khớp…nếu không được điều trị có thể gây viêm khớp hoặc phá huỷ khớp.
Hơn 60 năm chống chọi với Hemophilia, ông Nguyễn Bạch Nhật (trú tại thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên) là một trong 5 bệnh nhân có chi phí điều trị cao nhất nước (tính từ thời điểm năm 2018 đến tháng 8/2019).
Ông Nhật bộc bạch: “Cuộc đời tôi gắn liền với căn bệnh quái ác này từ khi mới sinh đến nay tôi đã 63 tuổi. Hemophilia phá huỷ khớp tay, khớp chân khiến người bệnh chúng tôi không thể đi lại, sinh hoạt bình thường được, nên cũng chẳng có công ăn việc làm gì. Gánh nặng kinh tế suốt bao nhiêu năm đè nặng lên vai người vợ vừa nuôi nấng các con trưởng thành, vừa chăm sóc người chồng tàn tật. Gia đình tôi còn có 2 người nữa bị Hemophilia, một người qua đời từ khi còn nhỏ”.
Theo thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT phía Bắc, gần 2 năm nay, bác Nguyễn Bạch Nhật đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới 3,7 tỉ đồng.
Mang trên mình nỗi đau bệnh tật đi kèm với chi phí chữa trị đắt đỏ, đối với ông Nhật, BHYT chính là “ân nhân” của không chỉ riêng ông, mà còn của cả gia đình.
Ông Nhật xúc động: “Tôi thuộc nhóm đối tượng khó khăn, hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng và được hưởng BHYT 100%. Vì thế, chính sách BHYT càng trở nên có giá trị và là chỗ dựa to lớn, tiếp sức cùng tôi và gia đình chống chọi với bệnh tật”.
Với mức chi phí do quỹ BHYT chi trả rất lớn, nên đối với những bệnh nhân như ông Nhật thì BHYT không chỉ là một người bạn, một chiếc gậy chống đỡ cuộc đời, mà còn là ân nhân của gia đình, cuộc đời họ, giúp họ có cơ hội được điều trị bệnh, được sống.
“Chỉ với số tiền mua thẻ BHYT 750.600 đồng/năm, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật, người tham gia sẽ được quỹ BHYT chi trả phần lớn tiền KCB. Đó cũng chính là tính nhân văn, sự sẻ chia một cách thầm lặng của cộng đồng thông qua chính sách này”, ông Nhật trải lòng mình.
Thu Hà