+Aa-
    Zalo

    Đề xuất cứ trả lương là đóng bảo hiểm cho người lao động: Có chặn được 1001 kiểu trốn đóng BHXH?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cơ quan chức năng đang tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động, hướng đến đề xuất các đối tượng tham gia BHXH, kể cả lao động thuê mướn và trả lương dưới mọi hình thức.

    Để bảo vệ quyền lợi của người lao động và hoàn thiện về khung pháp lý, các cơ quan chức năng đang tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó, hướng đến đề xuất các đối tượng tham gia BHXH, kể cả lao động thuê mướn và trả lương dưới mọi hình thức, thay vì chỉ áp dụng đối với người có hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. Hiểu nôm na, người lao động hễ nhận lương là được đóng bảo hiểm...

    Bịt khoảng trống, bảo vệ người lao động

    Liên quan đến Bộ luật Lao động (sửa đổi), ngày 21/9, ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho rằng việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động đến mở rộng vững chắc diện bao phủ về BHXH, hướng tới thực hiện BHXH toàn dân.

    Theo đó, ông Được đề xuất Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này cần tạo bước đột phá trong nhận thức về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đó là mở rộng đến toàn bộ người có quan hệ lao động (có thuê mướn, sử dụng và trả lương), thay vì chỉ quy định áp dụng đối với người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ đủ một tháng trở lên như hiện nay

    Nhận thức này là đúng đắn, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về cách tổ chức thực hiện khi nó được hoàn thiện trong luật. Bởi còn đó tình trạng chây ỳ, trốn tránh đóng các loại bảo hiểm cho người lao động vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều đơn vị, với số tiền rất lớn.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL về thông tin này, ông Lê Văn Việt, đang làm bảo vệ cho một công ty tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Thực tế như bản thân tôi là bảo vệ của một công ty, kiêm luôn việc giao các loại hàng hóa lặt vặt nhưng chủ lao động không hề đóng các loại bảo hiểm vì họ chỉ thoả thuận làm việc theo tuần và trả chi phí cho một tuần đấy, không ký hợp đồng lao động. Tôi có thắc mắc về vấn đề này thì chủ lao động giải thích rằng, công ty chỉ có thể thỏa thuận theo tuần để dễ trả tiền. Hơn nữa, không có quỹ để đóng các loại bảo hiểm cho tôi”.

    Hiện nay nhiều lĩnh vực như: Xây dựng, bất động sản, dịch vụ bảo vệ... đang là những “vùng” rất dễ để các chủ sử dụng lao động trốn tránh, “né” đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Ở những “vùng” này, chủ sử dụng lao động thường thỏa thuận làm việc theo tuần, trả lương theo tuần hoặc bằng các hình thức phi văn bản khác và “né” ký hợp đồng đủ 1 tháng trở lên để trốn tránh đóng các loại bảo hiểm.

    Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (quận Phú Nhuận) đang nợ BHXH trên 10 tỷ đồng.

    Theo tìm hiểu của PV, đây thực chất chỉ là hình thức “băm nhỏ, chẻ nát” thoả thuận lao động để “lách luật”, nhằm né, trốn đóng các loại bảo hiểm cho người lao động.

    “Thực tế, hiện nay trong quan hệ lao động đang sử dụng các hình thức như thông qua hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng văn bản hoặc không bằng văn bản, như: Hợp đồng miệng, hứa việc làm...”, TS. Nguyễn Thị Hồng, đại học Kinh tế TP.HCM cho biết.

    Do đó, “quy định có hợp đồng lao động mới bắt buộc tham gia bảo hiểm không bao phủ hết được đối tượng bắt buộc phải tham gia các loại bảo hiểm. Đó là lỗ hổng trong pháp luật để các chủ sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động và thỏa thuận bằng hình thức khác nhằm trốn tránh BHXH và các loại bảo hiểm khác”, TS. Hồng phân tích thêm.

    Lo ngại “thỏa thuận ngầm”

    Theo các chuyên gia, trong trường hợp này cũng có vai trò của người lao động khi thỏa thuận với chủ sử dụng lao động không đóng các loại bảo hiểm để nhận tiền hàng tháng.

    “Đưa vào luật quy định như đề xuất là hoàn toàn hợp lý. Để làm được việc này thì đầu tiên là phải có quy định trong luật, từ đó, mới có cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện. Sau khi đưa vào luật phải có các chế tài đủ mạnh để xử lý các tình huống này”, luật sư Đoàn Mạnh Hùng (TP.HCM) cho biết.

    Luật sư Hùng phân tích: “Ví như trường hợp chủ doanh nghiệp không đóng hoặc cố tình trốn tránh đóng các loại bảo hiểm theo kiểu “lách luật”, sử dụng các hình thức hợp đồng lao động phi văn bản, hứa việc.... cho người lao động thì phải xử lý như thế nào? Tôi cho rằng, chắc chắn là phải xử lý nghiêm, thậm chí là phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe. Hay như trường hợp cả chủ doanh nghiệp và người lao động đều thỏa thuận để không đóng các loại bảo hiểm thì cũng sẽ xử lý trách nhiệm các bên như thế nào khi thoả thuận dưới bất kỳ quan hệ lao động nào (bằng miệng hay văn bản)”.

    “Hiện nay, pháp luật đã có quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp người lao động thỏa thuận với chủ lao động để không đóng bảo hiểm, nhưng chỉ căn cứ vào hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên mà thôi. Do đó, nếu như quy định pháp luật bao phủ được các trường hợp này tôi cho rằng, nó sẽ không chỉ hoàn thiện về mặt pháp luật mà còn đảm bảo được quyền lợi của các bên liên quan, trong đó người lao động được bảo vệ một cách chính đáng, đúng mục tiêu mà các cơ quan chức năng đang đưa ra”, luật Hùng cho biết thêm.

    Thực hiện nghiêm để tránh “nhờn” luật

    Theo tìm hiểu của PV, hiện đang có tình trạng người lao động thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để không tham gia đóng các loại bảo hiểm này. Luật sư Trần Đình Hoàng, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Việc đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH và các loại bảo hiểm khác là đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động, đồng thời, đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động. Hơn nữa, hai bên phải có có trách nhiệm về vấn đề này, trường hợp người lao động nếu thỏa thuận với chủ doanh nghiệp không đóng BHXH thì chính người lao động cũng đang vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính”.

    Cụ thể, “theo quy định hiện hành (Nghị định 88/2015/NĐ-CP), người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN hoặc tham gia không đúng mức quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Do đó, ngoài tránh bị phạt, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, người lao động nên tham gia BHXH, BHYT, BHTN, thay vì nhận một khoản tiền hàng tháng trước mắt.

    Vấn đề là khi đã quy định và luật thì phải tổ chức thực hiện và làm nghiêm mới đủ sức răn đe, tránh nhiều trường hợp đang cố tình chây ỳ, trốn tránh đóng các loại bảo hiểm cho người lao động. Thực tế ngay cả những trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng các đơn vị này vẫn không khắc phục và coi thường pháp luật, thậm chí có dấu hiệu “nhờn” luật.

    Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Trong năm 2018, BHXH TP.HCM đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với trên 400 đơn vị và phối hơp thanh, kiểm tra liên ngành đối với gần 1.700 đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.... Ngoài các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì đến nay vẫn còn nhiều đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp) vẫn không khắc phục đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Thậm chí, nhiều trong số này cũng không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan BHXH và của cả UBND TP.HCM”.

    Vì thế, mới đây, BHXH TP.HCM cũng đã phải chuyển 21 công ty chuyển sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự có tổng số nợ gần 50 tỷ đồng, trong đó, đơn vị có số nợ cao nhất là gần 7 tỷ đồng và nợ thấp nhất là trên 300 triệu đồng. Trong số này, có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Những cái tên nằm trong sách đen có những đơn vị có số nợ nhiều như: Công ty Cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn (quận Tân Phú) nợ trên 6 tỷ đồng, thời gian nợ là từ tháng 12/2017. Hay công ty Cổ phần Vĩnh Cửu (tại quận 2) nợ trên 6,6 tỷ đồng, thời gian nợ từ năm 2012...

    Điều đáng nói là các doanh nghiệp này đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng các đơn vị vẫn có tình chây ỳ. Điển hình, như công ty Thanh Tiên bị xử phạt số tiền trên 220 triệu vào cuối năm 2018, rồi công ty Vĩnh Cửu cũng bị xử phạt 210 triệu vào thời điểm tháng 11/2018, hay công ty Bao bì Nhựa Sài Gòn cũng bị xử phạt 185 triệu đồng vào thời điểm tháng 12/2018.

    Chí Thanh

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 152

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-cu-tra-luong-la-dong-bao-hiem-cho-nguoi-lao-dong-co-chan-duoc-1001-kieu-tron-dong-bhxh-a294675.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan