Tình hình dịch Covid-19 vô cùng phức tạp tại Italia đã gây ảnh hưởng không nhỏ cho cộng động du học sinh người Việt tại đây.
Reuters dẫn số liệu từ Cơ quan phòng vệ dân sự Italia cho biết, trong ngày 19/3, nước này ghi nhận thêm 427 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch này tại đây lên 3.405, cao nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc.
Italia cũng có số người mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 41.035 ca.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Italia đã ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước, và vào hôm 19/3 vừa qua Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố gần như chắc chắn, lệnh phong toả toàn bộ đất nước Italy sẽ được kéo dài quá thời hạn ngày 3/4 như dự tính ban đầu.
Trường học đóng cửa, du học sinh chuyển sang học online và gần như không ra khỏi nhà.
Trung tâm thành phố Pordenone của Italia thưa thớt người qua lại trong mùa dịch. Ảnh: Báo Thanh niên |
Phan Thị Ngọc Hậu, học ngành Kinh tế - Tài chính Trường ĐH Bocconi không dám ra khỏi phòng. Thành phố Milan, nơi Hậu đang sống hiện là trung tâm dịch của đất nước này, số ca dương tính với Covid-19 ở đây hiện đã lên 925 người.
Báo Thanh niên dẫn lời Hậu cho biết cô từng rất phân vân "không biết nên về hay ở trong tình trạng hiện tại".
Hậu cho biết ban đầu dù thấy nhiều bạn bè rục rịch về nước tránh dịch, cô vẫn quyết tâm ở lại vì thời điểm lúc đó thấy thành phố vẫn trong tình trạng ổn định. "Nhưng bây giờ chắc em không thể về nưa rồi", Hậu chia sẻ.
Theo lời Hậu chia sẻ, bản thân cô nữ sinh và gia đình rất lo lắng khi số nhiễm và tử vong tại Italia tăng cao hằng ngày.
Mọi người được yêu cầu ở trong nhà, không mua được khẩu trang và nước rửa tay khô, siêu thị hàng quán đều đóng cửa… là những khó khăn mà Hậu cũng vài bạn du học Việt còn lưu lại đang phải trải qua.
Phạm Minh Đức, học thạc sĩ ngành Quản lý sản xuất ở Trường ĐH Trieste cho biết cũng không khỏi lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19.
Đức đang sống ở thành phố Pordenone thuộc vùng Friuli Venezia Giulia (Italia). Dù không phải là trung tâm dịch của nước Ý nhưng nơi này cũng đã ghi nhận 179 ca dương tính.
“Từ hồi cuối tháng 2, khi Ý bắt đầu ghi nhận các ca dương tính là bọn mình đã hạn chế ra đường. Mỗi tuần chỉ đi siêu thị một lần để hạn chế nguy cơ lây bệnh", Đức chia sẻ.
Đức cho biết thêm khi đi mua đồ ăn, các cửa hàng sẽ không cho khách vào quán nữa, thay vào đó, khách sẽ đứng trước cửa hàng và sẽ đặt hàng từ bên ngoài, sau đó nhân viên sẽ đưa hàng và thu tiền qua cửa.
Gần như phải cách ly tại nhà khiến cuộc sống của Đức và người bạn cùng phòng trở nên nhàm chán và ngột ngạt hơn.
Chia sẻ với lý do không về nước, Đức cho biết khi Italia bắt đầu bùng dịch Covid-19 thì cậu vẫn ở lại vì còn một số môn học đến lịch thi. Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ khiến trường học phải đóng cửa.
“Muốn về nước bọn mình phải bay từ thành phố Pordenone sang Venice. Tuy nhiên chuyến bay cuối cùng ở chặng này đã đóng cửa nên bây giờ bọn mình chỉ biết ở lại đây chờ hết dịch để đi học trở lại, mình không còn lựa chọn nào khác”, Đức nói.
Một khu chợ châu Á ở Rome. Ảnh: Vnexpress |
Anh Tuấn, du học sinh của trường University of Trieste, TP Venice (Italia), vừa trở về Việt Nam vào sáng 9/3 khi tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp.
Chia sẻ với Zing, nam sinh cho hay khi thành phố nơi cậu sinh sống có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, chính phủ Italy đã cách ly toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân vẫn chủ quan như tụ tập nơi đông người, không đeo khẩu trang, thậm chí còn không thoải mái khi thấy những người đeo khẩu trang ra đường như Tuấn.
Tuấn kể: "Tối 7/3, mình đọc được tin phong toả hàng loạt thành phố ở Bắc Italia, trong đó có Venice, nơi mình đang sống. Ngay đêm hôm đó, mình nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc. 6h ngày 8/3, mình tức tốc đi xe buýt ra sân bay Marco Polo. Chuyến bay cất cánh vào lúc 12h30 và rất may mắn không có trục trặc nào".
“Ở Italia ngày nào mình cũng đọc báo nên mình cũng chuẩn bị tâm lý về đến Việt Nam sẽ phải cách ly. Lúc mình mua vé về nước đã chuẩn bị tinh thần cách ly hết rồi. Chỉ là có 2 luồng tin không biết là cách ly tập trung hay cách ly tại nhà”, nam sinh nói thêm.
Do số lượng người cách ly ở Củ Chi đã kín nên Tuấn được đưa về theo dõi ở quận 9, TP.HCM. Hai ngày trong khu cách ly, Tuấn cho hay hiện sức khoẻ của cậu vẫn ổn, một ngày được kiểm tra nhiệt độ 2 lần. Cậu ấn tượng nhất bởi sự nhiệt tình của các nhân viên y tế.
"Tuy không tiện nghi như ở nhà, song nam sinh cho rằng mình may mắn hơn rất nhiều bạn bè còn mắt kẹt lại Italia", Tuấn nói.
Thành phố Venice, vùng Veneto, một trong những tâm dịch tại Italy, gần như không có du khách ghé thăm. Ảnh: Vnexpress |
Vnepress trao đổi với anh Phạm Hùng Vương, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italia, thông tin số du học sinh Việt Nam tại quốc gia này gần 700. Từ khi dịch bùng phát đến nay, khoảng 120 sinh viên đã về nước. "Hiện Italia chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 là công dân hoặc sinh viên Việt Nam", anh Vương cho hay.
Anh Vương thông tin thêm rằng Đại sứ quán và Hội sinh viên đã thành lập đường dây nóng để hỗ trợ công dân Việt Nam tại Italia cũng như sinh viên đang theo học. Hội sinh viên thường xuyên cập nhật thông tin từ đại sứ quán, dịch văn bản khuyến cáo, hướng dẫn từ tiếng Italia sang tiếng Việt để phổ biến tới các thành viên.
Đối với sinh viên muốn về nước, Hội thường cập nhật thông tin về hướng dẫn đi lại, quy định mới của các hãng hàng không, giữ liên lạc với các bạn đã về nước hoặc đang trong giai đoạn cách ly để nắm bắt tình hình tại Việt Nam.
"Các bạn dự định về nước nên cập nhật, kiểm tra thông tin về yêu cầu xuất nhập cảnh, chứng nhận y tế của hãng hàng không. Khi về tới Việt Nam, cần khai báo y tế, thực hiện cách ly đúng quy định", Vương khuyến cáo.
Hoa Vũ (T/h)