Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đáp án ngay khi kỳ thi kết thúc mà sẽ cân nhắc công bố vào một thời điểm thích hợp.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Giáo Dục Thời Đại. |
Sáng 26/6, chia sẻ với Vietnamnet, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) - cho biết: "Để đảm bảo các quy trình kỳ thi được diễn ra an toàn, chúng tôi tính toán sẽ không công bố đáp án. Điều này nhằm hạn chế những tiêu cực liên quan có thể xảy ra". Thay vào đó, Bộ sẽ cân nhắc và tính toán theo diễn tiến của việc chấm thi để lựa chọn thời điểm công bố đáp án sau ngày 27/6.
Liên quan đến những lo ngại các hội đồng chấm lỏng, chấm chặt môn thi tự luận, chia sẻ thêm với Dân Trí, ông Trinh cho rằng đặc điểm của chấm tự luận ít nhiều ảnh hưởng chủ quan của người chấm, khác với chấm thi trắc nghiệm trên máy.
Do đó, không riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, việc chấm thi tự luận được tiến hành kèm theo các giải pháp nhằm đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy.
“Ở kỳ thi THPT quốc gia, đã nhiều năm có câu hỏi mở cho đề Văn nhằm để thí sinh có những câu trả lời sáng tạo cả về trình bày và nội dung. Do đó, câu hỏi mở cũng phải có hướng dẫn chấm mở, các em trả lời được câu hỏi đặt ra, không vi phạm thuần phong mĩ tục” - Ông Trinh cho hay.
Cũng theo ông Trinh, với cán bộ chấm thi bài thi có câu hỏi mở cũng cần có kĩ năng cao hơn. Thực tế nhiều năm các thầy cô giáo đã tiếp xúc với câu hỏi này.
Ngoài ra, người chấm phải tuân thủ nghiêm túc việc chấm thi hai vòng độc lập, kèm với đó là việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi.
Nếu các hội đồng thi tuân thủ điều này, việc chấm thi Văn dù câu hỏi mở vẫn đảm bảo tính khách quan.
Qua kinh nghiệm nhiều năm, ông Trinh cho rằng, các hội đồng thi lựa chọn đủ số lượng và chất lượng cán bộ chấm thi môn Ngữ văn.
Và trong quy chế cũng cho phép các hội đồng thi có thể mời thêm các cán bộ giảng viên ở các trường khác để chấm thi môn Văn nên không phải lo lắng.
Về hệ thống máy móc phục vụ chấm thi trắc nghiệm, ngay từ tháng 3, Bộ GD-ĐT đã tập huấn rất kĩ, thực hiện phần mềm và có giải đáp trực tiếp bằng nhiều kênh, thậm chí qua email, điện thoại.
“Hiện chưa có trường đại học nào phàn nàn hoặc cần trợ giúp lớn cho việc chấm thi này”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Thanh Tùng(T/h)