Phải tự tay đổ bỏ những củ su hào do mình dày công chăm sóc, nhiều nông dân không khỏi xót xa.
Dù đã quá vụ thu hoạch nhưng su hào của bà con ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương vẫn còn nguyên ở trên đồng do không ai thu hái. Thậm chí, có ruộng còn bị bà con phá bỏ, bởi từ Tết đến giờ giá su hào xuống quá thấp, không bõ công người dân thu hái.
Được biết, để trồng được 1 củ su hào, người dân phải mất 2 tháng chăm sóc. Chỉ tính riêng tiền giống đã mất 200 đồng/củ, thế nhưng thương lái thu mua với giá chỉ 200 - 300 đồng/củ, thậm chí có nơi thương lái ngừng thu mua.
Su hào bị nhổ vứt đầy vệ đường, dưới mương nước hoặc đem cho người chăn nuôi. Ảnh: Dân Việt |
“Nhà tôi có 1 sào 10 thước trồng gần 6.000 gốc su hào. Trước Tết khoảng chục ngày có thương lái đến hỏi mua vo và trả 5 triệu đồng nhưng tôi không bán. Vậy mà chỉ mấy ngày sau đã chẳng còn ai thèm mua, cho họ cũng không lấy, giờ chỉ biết nhổ bỏ” - một nông dân ở xã Ngọc Kỳ ngậm ngùi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Khắc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Đạo, vụ đông xuân năm nay toàn xã trồng được 330 ha rau các loại, trong đó su hào chiếm tới 75%. Đến đầu tháng 12 âm lịch, phần lớn diện tích su hào vụ này đã thu hoạch xong, chỉ còn 30 ha trồng đón thị trường sau Tết.
Trước Tết 1 tuần thương lái bắt đầu dừng thu mua su hào hoặc chỉ mua với số lượng hạn chế. Từ sau Tết đến nay, thương lái không thu mua nên nông dân đành ngậm ngùi vứt bỏ.
Trong khi bà con ở Hải Dương phải nhổ bỏ su hào, cách đó chỉ chừng 60km, tại các chợ cóc Hà Nội, su hào vẫn được bán với giá 3.000 đồng/củ.
Điều này cho thấy, khi qua các khâu trung gian, giá su hào đã được đẩy lên cao, mang lại lợi nhuận lớn, trong khi người tiêu dùng và bà con nông dân phải chịu thiệt.
Vũ Đậu (T/h)