+Aa-
    Zalo

    Cảnh báo việc thương lái Trung Quốc lùng mua nông sản Việt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng loạt nông sản Việt bỗng tăng giá chóng mặt rồi bất ngờ hạ giá thảm hại và đây không phải chuyện mới.

    Hàng loạt nông sản Việt bỗng tăng giá chóng mặt rồi bất ngờ hạ giá thảm hại và đây không phải chuyện mới.

    Cách đây một năm, người trồng chuối ở Đồng Nai phải để chuối chín rụng đầy vườn, phải đổ bỏ cho bò hay bán tháo với giá 1.000 đồng/kg... do bị thương lái Trung Quốc ngừng mua đột ngột. Thế nhưng, năm nay giá chuối tại xã Thanh Bình (Trảng Bom, Đồng Nai) lại tăng giá mạnh. Hiện giá chuối bán tại vườn là 17.000-18.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

    Đáng chú ý, giá chuối không chỉ tăng cao ngất ngưởng, mà thương lái Trung Quốc còn vào tận vườn để đặt cọc bao tiêu trước cả tháng. Thậm chí, để mua được hàng, họ còn lùng sục khắp các nhà vườn để tìm mua chuối.

    Không riêng gì chuối, thời điểm này, tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ thương lái cũng vào tận vườn thu mua mít Thái để xuất đi Trung Quốc khiến giá mặt hàng này tăng cao kỷ lục, lên mức 45.000-48.000 đồng/kg loại 1, loại 2 giá khoảng 40.000 đồng/kg.

    Theo ông Trần Văn Tám, một hộ dân trồng mít ở xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ), thời điểm này lượng mít trong vườn thu hoạch gần hết, vậy mà thương lái thay phiên nhau đến tận nhà năn nỉ, đặt tiền trước để mua được mít với giá cao. Thế nên, bình quân mỗi tạ mít ông có thể thu nửa triệu đồng.

    Các nhà vườn trồng mít ở Hậu Giang, Tiền Giang ước tính, với giá mít cao như hiện nay, mỗi hecta mít người dân lãi khoảng 800 triệu đồng.

    Trong khi đó, ở Long An, Tiền Giang và Bình Thuận, các nhà vườn trồng thanh long cũng đang phần khởi bởi giá mặt hàng này tăng mạnh, kéo dài suốt từ dịp Tết Nguyên đán đến nay. Thậm chí, những ngày đầu tháng 3 này, để mua được thanh long xuất đi Trung Quốc, các thương lái còn vào tận nhà vườn bằng lòng trả tiền trước cho chủ vườn mong sao gom được hàng.

    Không ít nhà vườn đang tích cực xông đèn cho thanh long để kịp thua hoạch lứa trái mới bán giá cao dịp này.

    Nông sản Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

    Được biết, trả giá cao để tạo niềm tin rồi sau đó lại ép bán giá thấp, “đánh bài chuồn” hay mượn danh người Việt để đứng sau đầu tư quản lý… nhiều năm qua, thương lái Trung Quốc dùng đủ chiêu trò nhằm thao túng thị trường một số loại nông sản Việt Nam. Trong khi đó, một số người Việt, doanh nghiệp (DN) Việt vì hám lợi trước mắt đã tiếp tay cho thương lái Trung Quốc hại nông dân Việt.

    Bên cạnh đó, suốt tháng 3/2017, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán.

    Tính chung trong quý I/2017, giá lợn hơi biến động giảm. Ngay vào thời điểm cận Tết, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá 26.000-30.000 đồng/kg.

    Lý giải về nguyên nhân khiến giá lợn sụt giảm sâu làm người chăn nuôi lỗ nặng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là do tăng đàn quá nhanh khiến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, thương lái Trung Quốc bất ngờ dừng mua khiến giá lợn hơi ngay lập tức giảm.

    Cũng trong năm 2017, tại Sóc Trăng, giá dưa hấu trong tháng bất ngờ giảm mạnh với giá từ trên 4.000-4.300 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá dưa hấu giảm mạnh cũng là do thương lái Trung Quốc bỏ cọc khiến nguồn cung tăng mạnh, giá giảm xuống.

    Một chuyên gia trong ngành Nông nghiệp chia sẻ, nông sản Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt, chúng ta lại xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên chuyện bị thao túng giá là khó tránh khỏi. Nông sản Việt giá tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào 1 thị trường, còn người nông dân hoàn toàn bị động.

    Sau mỗi lần bị mắc bẫy thương lái Trung Quốc, các cơ quan chức năng thường lên tiếng cảnh báo, khuyến cáo người nông dân không nên hám lợi trước mắt. Thế nhưng, người nông dân không đáng trách bởi ai cũng muốn nông sản mình làm ra bán được giá cao. Vì vậy, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về cơ quan chức năng khi không đảm bảo được đầu ra cho nông sản, để người dân tự vật lộn. Nhờ đó, thương lái Trung Quốc mới dễ dàng thao túng, ép giá nông sản...

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/canh-bao-viec-thuong-lai-trung-quoc-lung-mua-nong-san-viet-a222588.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan