VTV News đưa tin, Ông Thoa (Hà Nội) đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội thăm khám do sốt và đau vùng thắt lưng vào giữa tháng 11/2023. Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ khám sàng lọc, chỉ định xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy đài bể thận phải có hình ảnh nhiều viên sỏi bán san hô, kích thước viên lớn nhất khoảng 3,5 x 2,5 cm. Xét nghiệm cấy khuẩn nước tiểu có vi khuẩn E.coli, đây là biến chứng của sỏi gây nhiễm khuẩn niệu. Theo nhiều thống kê, khoảng 50-70% bệnh nhân mắc sỏi thận có biến chứng nhiễm khuẩn niệu. Các chủng vi khuẩn phần lớn là nhóm vi khuẩn đường ruột.
PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học chẩn đoán người bệnh mắc sỏi bán san hô với nhiều viên ở thận phải có biến chứng nhiễm khuẩn niệu. Sau khi điều trị kháng sinh theo phác đồ, xét nghiệm nước tiểu âm tính với vi khuẩn, bác sĩ lựa chọn điều trị sỏi bằng phương pháp ít xâm lấn, ít đau: nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.
Để thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, bác sĩ thiết lập đường hầm từ da ở vị trí vùng thắt lưng, chọc kim dưới hướng dẫn siêu âm, nong đường hầm nhỏ đến 18 Ch (chu vi 1,8 cm), đưa ống soi vào bể thận và từng đài thận phải. Sỏi được tán vụn bằng laser công suất cao. Toàn bộ các mảnh sỏi vụn được hút ra ngoài. Do sỏi nằm ở bể thận và nhiều viên nhỏ trong các đài thận nên phẫu thuật viên lựa chọn chọc vào đài giữa để vừa có thể tán sỏi, vừa đưa máy soi kiểm tra bể thận, đài thận, tránh sót sỏi sau tán.
Với nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, thủ thuật thực hiện trong khoảng 45 phút, bệnh nhân được đặt dẫn lưu thận và ống thông JJ. Sau 4 ngày người bệnh xuất viện và tái khám sau 1 tháng để rút ống thông JJ niệu quản.
Vnexpress dẫn lời PGS Hinh cho biết, trước đây sỏi san hô thường phẫu thuật mở, nhưng phương pháp này kéo dài thời gian hồi phục, dễ gây tổn thương thận và các cơ quan lân cận. Nếu sỏi tái phát, những lần mổ mở sau sẽ khó khăn, tăng nguy chảy máu, biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đến giữa và cuối thế kỷ XX, loại sỏi này được tán qua da đường hầm nhỏ tiêu chuẩn. Đường vào thận của phương pháp này rất lớn (chu vi 2,8 cm), gây tổn thương nhiều nhu mô thận và dễ xảy ra biến chứng.
Hiện có nhiều phương pháp ít xâm lấn điều trị sỏi thận tùy vị trí, tính chất, kích thước của sỏi; thể trạng, bệnh nền của người bệnh. Các phương pháp được ưu tiên như tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, nội soi niệu quản ngược dòng, nội soi ống mềm tán sỏi thận.
Theo PGS Hinh, nội soi tán sỏi đường hầm nhỏ là một trong những kỹ thuật hiện đại, nhiều ưu điểm như đường vào thận nhỏ nên ít nguy cơ tổn thương nhu mô thận, giảm tối đa nguy cơ tai biến, biến chứng chảy máu trong và sau mổ. Quá trình thực hiện nội soi có hướng dẫn siêu âm giúp bác sĩ và bệnh nhân không bị ảnh hưởng phóng xạ do tia X, dễ kiểm tra vị trí dụng cụ tán sỏi, hình thái thận và vị trí sỏi, phát hiện mảnh sỏi tán di chuyển nhằm hạn chế sót sỏi. Bác sĩ có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu có các biến chứng tụ dịch quanh thận, tràn dịch ổ bụng.
Việt Nam nằm trong vùng vành đai sỏi thế giới do nhiều yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ nội sinh như người bệnh mắc các bệnh mạn tính dạ dày ruột, rối loạn chuyển hóa như cường giáp trạng, gout làm tăng axit uric máu, nhiễm khuẩn niệu dai dẳng tái phát nhiều... Yếu tố nguy cơ ngoại sinh như khí hậu nhiệt đới, uống không đủ nước, làm việc nhiều dưới ánh sáng mặt trời...
PGS Hinh khuyến cáo mọi người kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh và tránh biến chứng. Người có triệu chứng đau thắt lưng, tiểu máu, sốt và ớn lạnh, nôn mửa, cảm giác nóng rát khi đi tiểu... cần đến bác sĩ khám sớm.
Thùy Dung (T/h)