(ĐSPL) - Báo ĐS&PL số 78 (ra ngày 29/6/2016) đăng tải bài viết: “Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang “bình cũ rượu mới” dân né trạm thu phí, phá đường dân sinh” phản ánh về nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Tiếp tục điều tra, PV phát hiện thêm, ngay từ thời điểm ban đầu phê duyệt, tuyến đường này đã được “châm chước” một số yếu tố để trở thành đường cao tốc, trong đó phải kể đến yếu tố kích thước hình học, các vị trí nút giao cắt...(!?).
Trạm thu phí Hà Nội – Bắc Giang, ảnh Thế Anh. |
Được “ưu tiên” thành cao tốc
Sau quá trình điều tra, ghi nhận thực tế, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với ông Ngô Thành Long - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang và được giới thiệu làm việc với ông Vũ Minh Hoàng, đại diện công ty. Tại buổi làm việc, ông Hoàng cho biết: “Việc thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang chúng tôi đều công khai minh bạch về doanh thu, lưu lượng... có sự giám sát của tổng cục Đường bộ. Đồng thời, chúng tôi cũng báo cáo tài chính, khai báo thuế theo định kỳ”.
Theo thông tin ông Long cung cấp, trong quyết định đầu tư dự án ban đầu, tổng mức đầu tư xây dựng cho tuyến đường này là 4.213 tỉ đồng và thời gian thu phí là 18 năm 7 tháng. Nhưng, khi ký hợp đồng BOT chính thức với bộ GTVT thì có sự thay đổi so với phương án tài chính của dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư được rút gọn lại là 4.154 tỉ đồng và thời gian thu phí cũng được rút ngắn lại 15 năm 3 tháng.
Khi PV đề cập tới việc xe ô tô, xe tải... né tránh trạm thu phí trên tuyến cao tốc trên và đi vào đường dân sinh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra, ông Hoàng cho hay: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ phía người dân, cũng như chính quyền địa phương về việc các xe né trạm thu phí. Việc các xe né trạm, khả năng là có thật bởi, trên tuyến này có rất nhiều đường ngang có thể né được trạm. Chúng tôi không có chức năng xử lý việc này, việc xử lý là của các cơ quan chức năng”.
Lý giải về việc tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh thiếu đường gom, ông Hoàng nói: “Theo dự án được phê duyệt ban đầu thì đoạn đường Hà Nội - Bắc Ninh không có đường gom, còn đoạn đi qua địa phận Bắc Giang có đường gom. Khi người dân có ý kiến phản ánh về việc không có đường gom dành cho người dân đi, đến ngày 31/5, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có chỉ đạo, giao chúng tôi nghiên cứu, lập dự án bổ sung đường gom đoạn Hà Nội – Bắc Ninh”.
Trước những thông tin cho rằng, số tiền đầu tư xây dựng bổ sung đường đoạn Hà Nội – Bắc Ninh là 1.200 tỉ đồng, ông Hoàng phân trần, những thông tin này không chính xác và cũng chưa được công bố chính thức. Ông Hoàng cũng cho biết thêm: “Sau khi có cuộc họp, chỉ đạo của Thứ trưởng bộ GTVT, ngày 10/6, bộ GTVT mới có thông báo kết luận cuộc họp về chỉ đạo của Thứ trưởng. Đến bây giờ chúng tôi mới đang phối hợp với ban tư vấn nghiên cứu phương án để báo cáo. Phương án còn chưa có thì lấy đâu ra số tiền 1.200 tỉ đầu tư xây dựng đường gom”. Liên quan đến dự án trên, nhiều ý kiến cho rằng, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang chỉ được sửa chữa “qua loa”, cải tạo nâng cấp từ nền cũ, không có nhiều thay đổi so với mặt đường cũ, không được mở rộng diện tích về mặt đường, chưa có đường gom dành cho xe máy và phương tiện thô sơ đoạn đi qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, nên không đạt đủ điều kiện để được công nhận là đường cao tốc, rồi thu phí. Lý giải về vấn đề này, ông Hoàng chia sẻ: “Bản thân dự án, ngay từ đầu phê duyệt thì đây là đường cao tốc có được “châm chước” một số yếu tố. Trong đó được “châm chước” yếu tố kích thước hình học, các vị trí nút giao cắt... Thiết kế phê duyệt ban đầu như nào thì chúng tôi thực hiện xây dựng theo đúng như vậy”.
Trong một diễn biến khác, trao đổi với PV báo ĐS&PL về tình trạng xe ô tô, xe tải né trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay: “Nếu người dân phát hiện các xe thường xuyên né trạm thu phí ở những tuyến đường nào, đề nghị thông tin cho chúng tôi để có phương án xử lý. Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và lực lượng của cục I vào cuộc”.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: “Thiết kế tương lai sẽ là cao tốc”
Đề cập tới thông tin công ty Cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang đầu tư 1.200 tỉ đồng xây dựng đường gom đoạn Hà Nội – Bắc Ninh, ông Huyện cho biết: “Bộ GTVT đã chỉ đạo cho chủ đầu tư khảo sát thiết kế xây dựng đường gom cho giai đoạn 2. Bộ GTVT đã có văn bản cụ thể, hiện nay chủ đầu tư đang tiến hành khảo sát thiết kế”.
Liên quan tới việc chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang tiết lộ tuyến đường này được “châm chước” để trở thành đường cao tốc, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng bộ GTVT đã phủ nhận mọi thông tin này. Ông Trường cho biết: “Tuyến đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang có chiều dài khoảng 60km, được chia thành hai đoạn. Trong đó, đoạn Hà Nội - Bắc Ninh dài khoảng 30km. Đây là đoạn đường quốc lộ được xây dựng bằng nguồn vốn ODA với 4 làn xe hỗn hợp chạy. Đoạn Bắc Ninh – Bắc Giang cũng dài khoảng 30km trước khi xây dựng thành cao tốc chỉ có hai làn xe, cả hai đoạn đường này bị xuống cấp nghiêm trọng”.
Trước tình hình này, bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp, tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước khó khăn nên Chính phủ cho phép đầu tư bằng hình thức BOT và được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 nâng cấp đoạn Hà Nội – Bắc Ninh đáp ứng được tốc độ 80km/h – 100km/h nhưng không có đường gom. Đoạn Bắc Ninh – Bắc Giang mở rộng thành 4 làn xe đồng thời tiến hành xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường gom, cầu vượt để tách xe máy, xe thô sơ.
Lý giải về việc đường Hà Nội – Bắc Giang chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được phê duyệt thành đường cao tốc, Thứ trưởng bộ GTVT cho hay: “Về thiết kế, tương lai thì tuyến này sẽ là cao tốc, các kỹ thuật tiêu chuẩn đã thành cao tốc rồi. Đoạn Bắc Ninh – Bắc Giang hiện nay đang là cao tốc, còn đoạn Hà Nội – Bắc Ninh chưa phải cao tốc. Việc cuối cùng là tách xe máy ra nữa, chính vì vậy tuyến đường này vẫn được thực hiện thu phí mở như tuyến quốc lộ, dân thích đi đường nào thì đi, chưa thu phí theo mức tuyến đường cao tốc”.
Ông Trường cho biết thêm: “Trước mắt, bộ GTVT cho phép đoạn Hà Nội – Bắc Ninh khai thác hỗn hợp cả xe máy, xe ô tô đi chung với tốc độ là 80km/h. Vì sao giai đoạn 1 lại không làm được đường gom để tách xe máy, vì trước đây, đoạn đường này đã được xây dựng hoàn chỉnh nên việc giải phóng mặt bằng xây dựng đường gom cần phải có kinh phí rất lớn, cùng với đó, có ý kiến cho rằng, không cần làm đường gom mà sẽ đưa toàn bộ xe máy, xe thô sơ đi qua TP.Bắc Ninh về QL1A cũ. Tuy nhiên, khi đi qua TP.Bắc Ninh sẽ gây ra ách tắc, cho nên việc điều chỉnh xây đường gom là rất cần thiết. Cho nên giai đoạn 2, tiến hành xây đường gom đoạn Hà Nội – Bắc Ninh tách hoàn toàn xe máy, thô sơ ra khỏi đoạn đường này, hoàn chỉnh hệ thống an toàn cho toàn tuyến để đảm bảo tuyến này trở thành cao tốc”.
Lãnh đạo bộ GTVT cũng cho biết, hiện nay, bộ GTVT đã giao cho chủ đầu tư lập phương án xây dựng, trình bộ GTVT thẩm định, phê duyệt, trên cơ sở đó xin Chính phủ điều chỉnh phương án tài chính để đáp ứng giai đoạn 2 cho nhà đầu tư.
Thông tin về tình trạng xe ô tô, xe tải “né” trạm thu phí dẫn đến phá đường dân sinh, ông Trường quả quyết: “Hiện nay, tuyến đường này đang được thu phí mở nên xe đi đường nào thì đi. Việc xe vào đường dân sinh đó là trách nhiệm của chính quyền tỉnh Bắc Ninh xử lý, vì chúng tôi không quản lý những tuyến đường đó”.
THẾ ANH