Hủy du lịch, chọn chuyến bay không có số 7… là cách mà nhiều người đã lựa chọn sau hàng loạt vụ máy bay rơi, mất tích gây chấn động thời gian qua.
Tâm lý hoang mang, lo lắng liệu có nên đi máy bay đã xuất hiện ở nhiều người, sau nhiều sự cố liên tiếp xảy ra với ngành hàng không thế giới thời gian gần đây. Trong số đó, có người đã hủy các chuyến bay, nhưng cũng có người dù lo lắng nhưng vẫn phải đi vì công việc.
Trên Facebook cá nhân, một số người đã chia sẻ thông tin với bạn bè rằng chính thức hủy vé bay đi nước ngoài như Pháp, Israel.
“Đi mà tinh thần người đi lẫn người ở nhà đều không thoải mái thà ở nhà cho ổn lòng các bên”, một nickname chia sẻ với bạn của mình.
“Em sắp có chuyến đi Đà Lạt đây, thấy ghê kiểu gì í, nhưng vẫn phải đi vì công việc. Ai cũng mong mình may mắn, còn tai nạn là hên xui”, nickname Thành Công chia sẻ.
Chỉ còn vài hôm nữa, công ty tổ chức cho nhân viên đi du lịch hè ở Đà Nẵng, nhưng trước các sự cố liên quan đến máy bay vừa qua, chị Phương, nhân viên một Công ty tin học tại Hà Nội đã hủy không tham gia dù vé máy bay cũng như mọi dịch vụ Công ty đã đặt đầy đủ.
“Mình đang mang thai cháu đầu 4 tháng, sau khi nghe nhiều thông tin tai nạn và mất tích máy bay, bố mẹ hai bên cũng khuyên nên ở nhà nên mình và chồng đã quyết định không đi chơi Đà Nẵng cùng công ty nữa”, chị Phương cho hay.
Sau những sự cố máy bay, nhiều hành khách chọn chuyến bay tránh số 7. Ảnh: M.T. |
Chị Thúy, người chịu trách nhiệm đặt vé cho cả đoàn lại có kiểu kiêng kị khác. Để cho yên tâm, chị đã kiểm tra kỹ số hiệu chuyến bay sắp đi.
“Vì là người đặt vé cho cả công ty nên mình đã kiểm tra kỹ số hiệu chuyến bay, không có số nào là số 7 nên bản thân mình và những thành viên khác trong công ty cũng cảm thấy yên tâm hơn”, chị Thúy cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Redtour cho biết, đến thời điểm này, tại Hà Nội Redtour chưa có hành khách nào hủy tour du lịch trong nước hay nước ngoài bằng máy bay, cũng như chưa có khách nào phải hoãn hay đổi phương tiện vận chuyển.
“Chỉ có lượng hành khách gọi điện để được tư vấn hoặc đến trụ sở xin tư vấn các thông tin về chuyến bay. Có đối tượng khách là người cao tuổi đã đặt chuyến du lịch châu Âu đã hỏi kỹ hơn như máy bay có bay qua Ucraina không?”, ông Hoan chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng thẳng thắn cho hay, hàng không vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất, điều này không chỉ Hà Nội Redtour tư vấn cho hành khách mà bản thân hành khách đến công ty đặt tour cũng tự tư vấn cho nhau. Vì thế, khách hàng cứ yên tâm trong những hành trình của mình.
Tìm hiểu tại một phòng bán vé máy bay ở quận Hoàng Mai, một nhân viên cho biết: Chưa thấy có hành khách nào hủy bay sau khi đã đặt vé, kể cả những chuyến bay quốc tế. Nhiều hành khách vẫn đặt vé như bình thường, các chuyến đi Mỹ, Canada… vẫn có nhiều hành khách đặt vé.
“Tôi nghĩ, sau những sự cố máy bay vừa rồi, hành khách sẽ đỡ thắc mắc hơn về vấn đề chuyến bay bị chậm giờ. Khi chuyến bay chậm giờ là để đảm bảo hơn về kỹ thuật trước khi bay, đảm bảo an toàn nhất cho hành khách, vì thế, khách hàng cũng cần thông cảm nếu chuyến bay bị chậm giờ”, nhân viên này cho hay.
Chia sẻ trên báo chí, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, từng là Trưởng ban Kế hoạch Thị trường tại Vietnam Airlines, nguyên Tổng giám đốc Hãng bay giá rẻ Jetstar, Nguyên Giám đốc điều hành Air Mekong nhận định, dù liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhưng xét về tổng thể, máy bay vẫn là phương tiện được đánh giá là đi lại an toàn nhất.
Vị tiến sĩ này đưa ra số liệu an toàn giao thông gần đây nhất của Mỹ. Theo đó, tỷ lệ số người bị chết vì tai nạn tính trên 100 triệu khách mỗi dặm của các loại phương tiện giao thông Mỹ như sau: hàng không thường lệ: 0,003, xe buýt đô thị và đường dài: 0,05, đường sắt: 0,06, ôtô (trừ xe buýt): 0,61. Ở Mỹ, đi máy bay có tỷ lệ tai nạn còn thấp hơn so với đi bộ trên đường phố.