Bộ GD&ĐT thông tin, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) toàn ngành ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên mắc COVID-19. Trong đó, cán bộ, giáo viên là 27.677 người; trẻ em, học sinh, sinh viên là 135.244 em, theo TTXVN.
Đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc COVID-19 tăng mạnh gồm. Cụ thể, Hải Phòng có 9.649 ca, Thanh Hóa 2.359 ca, Hà Tĩnh 675 ca, Nghệ An 298 ca...
Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến, một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Qua việc kiểm tra tại 9 tỉnh/thành, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận một số vướng mắc khi thực hiện đón học sinh trở lại trường học. Đơn cử như: Một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc phát hiện tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.
Khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông, vẫn còn hiện tượng học sinh các lớp tương tác trực tiếp trong giờ nghỉ giải lao. Việc rà soát, phân loại học sinh để củng cố, bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại trường gây khó khăn cho các trường trong việc bố trí giờ dạy, có thể phát sinh kinh phí... Việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch (theo dõi, thống kê, báo cáo …) Kinh phí chi cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục (nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo thân nhiệt, kít xét nghiệm nhanh…) và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu.
Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học. Trong khi cấp trung học đã đi học trở lại thì bậc mầm non còn 9 tỉnh, tiểu học còn 6 tỉnh chưa đi học trở lại. Việc tổ chức bán trú và học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.
Trong báo cáo về tình hình học sinh trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán 2022, bộ GD&ĐT cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; sửa đổi hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở một số địa phương, bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành kế hoạch năm học chất lượng, hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn.
Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tập trung rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách, kiêm nhiệm); xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ.
Tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, bộ GD&ĐT; tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn, theo Sức khỏe & Đời sống.
Linh Chi (T/h)