Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, các trường đại học ở Anh vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại để đón các sinh viên đi học trở lại. Trước việc học online kéo dài, nhiều sinh viên đã yêu cầu được hoàn tiền một phần học phí nếu phải tiếp tục học trực tuyến tại nhà trong năm học tới.
Rhian Shillabeer, một sinh viên chính trị năm thứ hai, đã viết một bức thư ngỏ gửi cho trường đại học Kent bày tỏ: "Thật không công bằng khi tính phí 9.250 bảng một năm cho các video dạy học trên YouTube".
Trước những lời kêu gọi trên, tờ Guardian cho biết hầu hết các trường đại học tại Anh đang có kế hoạch cung cấp chương trình học kết hợp các cuộc hội thảo trực tiếp và các bài giảng trực tuyến vào mùa thu này. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào các quy tắc giãn cách xã hội và liệu những người trẻ tuổi có được tiêm đủ 2 liều vaccine kịp thời hay không.
Trong khi đó, ban giám hiệu các trường đại học được cho là rất thất vọng với việc chính phủ chậm xác nhận các kế hoạch hướng dẫn thực hiện các biện pháp giãn cách trong khuôn viên trường, chuẩn bị cho việc đón sinh viên trở lại vào tháng 9. Nhóm các hiệu phó của các trường đại học do đó đã đề nghị chính phủ nhanh chóng hỗ trợ việc triển khai điểm tiêm chủng cho sinh viên trong khuôn viên trước khi năm học mới bắt đầu vào mùa thu tới.
Cụ thể, ông Charlie Jeffrey, phó hiệu trưởng Đại học York, cho biết: "Việc quan trọng nhất bây giờ là tiêm chủng. Đó là điều kiện tiên quyết để các trường đại học được hoạt động gần như bình thường như chúng tôi mong muốn. Tôi muốn chính phủ coi đó là một ưu tiên vì những gián đoạn mà sinh viên đại học phải đối mặt. Chúng tôi thường xuyên là người đi sau đối với chính phủ, các sinh viên đã cảm thấy và không hài lòng với điều đó".
Theo ông Jeffrey, Đại học York đang cân nhắc lựa chọn những toà nhà làm lớp học, đảm bảo quy định giãn cách xã hội trong trường hợp sinh viên trở lại trường. Tuy nhiên, việc này vẫn rất khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Ông thừa nhận: "Chúng tôi không thể xây dựng thêm những toà nhà như vậy chỉ trong một thời gian ngắn".
Cuộc khảo sát đối với 17 trường đại học của trang Observer cho thấy nhiều trường đang lập kế hoạch cho hai kịch bản chính. Cụ thể, trong trường hợp quy tắc giãn cách xã hội được xoá bỏ, các trường có thể trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên, vẫn nhiều khả năng các trường phải buộc phải áp dụng quy định giãn cách tối thiểu 1m giữa các sinh viên. Theo đó, quy định này sẽ cắt giảm công suất trong các tòa nhà đại học và buộc họ phải giảng dạy trực tuyến nhiều hơn.
Một số trường đại học đã có những phương án rõ ràng đối với tình hình này. Chẳng hạn như đối với Đại học Cardiff, tất cả các lớp học trên 60 người sẽ trực tuyến. Trong khi đó, vẫn còn những trường khác mơ hồ hơn, như Đại học Durham từng tuyên bố việc kết hợp hình thức học trực tuyến và trực tiếp sẽ phụ thuộc vào khóa học và năm học.
David Gordon, tổng thư ký của liên đoàn sinh viên Trường Kinh tế London, người đã dẫn đầu các nỗ lực của sinh viên trong việc thương lượng giảm học phí, dự đoán rằng một năm học trực tuyến nữa sẽ dẫn đến những lời kêu gọi hoàn học phí.
Ông nói: "Tôi nghĩ sinh viên sẽ thích học trực tuyến hơn một chút. Nhưng nếu sinh viên bị cấm đến các trường, không được giảng dạy trực tiếp hoặc xây dựng mối liên hệ với nhau hoặc với giảng viên, bạn có thể thấy sự gia tăng các yêu cầu hoàn tiền".
Bên cạnh đó, ông Gordon nhận định các sinh viên đã đánh giá cao nỗ lực từ các trường đại học để minh bạch hơn thông tin đối với họ. Tuy nhiên, theo tổng thư ký liên đoàn sinh viên Trường Kinh tế London: "Tôi biết có rất nhiều sinh viên bất mãn tại các trường đại học nơi họ đã không hoàn thành tốt công việc như vậy. Các trường đại học bị ảnh hưởng bởi đại dịch khắc nghiệt hơn, đang gặp khó khăn về tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ giảng dạy, đó là nơi mà thông tin liên lạc trở nên khác biệt hơn và sinh viên cảm thấy tức giận và bị lãng quên".
Minh Hạnh (Theo Guardian)