+Aa-
    Zalo

    Sĩ tử "tí hon" mơ thành lập trình viên danh tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Dù đã 18 tuổi nhưng Vượng chỉ cao chưa đầy 90cm. Để bù lại "nhược điểm" về hình thể, cậu bé Vượng ngày đêm miệt mài đèn sách.

    (ĐSPL)- Dù đã 18 tuổi nhưng Vượng chỉ cao chưa đầy 90cm. Để bù lại "nhược điểm" về hình thể,  cậu bé Vượng ngày đêm miệt mài đèn sách.
    Trong suốt 12 năm học phổ thông, dù ngày mưa hay nắng, Nguyễn Minh Vượng (sinh năm 1996, ở khu phố An Hưng, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) vẫn được mẹ kiên trì đưa đến trường.
    Dù đã 18 tuổi nhưng Vượng chỉ cao chưa đầy 90cm. Để bù lại "nhược điểm" về hình thể,  cậu bé Vượng ngày đêm miệt mài đèn sách. Và trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, em khăn gói từ quê vào Huế dự thi ngành Công nghệ Thông tin, trường đại học Khoa học Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) để thực hiện ước mơ trở thành nhà thiết kế Web trong tương lai.
    Cậu thí sinh
    Thí sinh "tí hon"Nguyễn Minh Vượng.
    Cậu bé giàu nghị lực
    Chị Hà Thị Mỹ Nhung (38 tuổi, mẹ của Vượng) kể về đứa con trai bằng giọng đầy âu yếm. Ngay từ hồi mới sinh, Vượng đã không được bình thường như những đứa trẻ khác. Dù có khuôn mặt khôi ngô, nhưng chân tay Vượng ngắn lạ thường, bố mẹ "nuôi mãi không chịu lớn". Không chỉ vậy, sức khỏe của Vượng cũng rất yếu ớt. Một tháng, có khi Vượng ở bệnh viện đến cả 30 ngày. Gia đình làm nông nghiệp, bữa đói bữa no nhưng vợ chồng chị Nhung đành bỏ mặc ruộng vườn, tối ngày theo con. Thế nên, xây dựng gia đình gần 20 năm, nhưng gia tài của vợ chồng chị Nhung chỉ gồm có căn nhà xiêu vẹo và một ít vật dụng cũ kỹ, sơ sài. Có bao nhiêu tiền bạc anh chị đều "trút" hết vào việc chữa bệnh cho đứa con trai tật nguyền. "Nuôi một đứa con đã cực khổ, nuôi một đứa không được khỏe mạnh như thằng Vượng, cực nhọc bằng người ta nuôi 10 đứa con", mẹ Vượng giãi bày.
    Ngay từ lúc mới lọt lòng, Vượng đã bị viêm phế quản. Lớn hơn một chút, Vượng lại bị viêm xương khớp, đi lại khó khăn. Cứ những ngày trái gió trở trời, cậu bé lại ốm. Dù bệnh tật liên miên, nhưng cậu bé "tí hon" luôn miệt mài đến trường, hầu như cậu chẳng bỏ một buổi học nào. "Cháu đau và nằm ở viện nhưng luôn mang theo sách vở bên người. Sáng nằm điều trị nhưng chiều vẫn đến lớp. Sợ mất bài nên cháu không dám nghỉ học. Chỉ khi nào yếu quá, không "lết" được, cháu mới chịu ở nhà", mẹ Vượng chia sẻ.
    Thương con, chị Nhung ngày ngày chở con đến trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Vượng lớn hơn một chút, chiếc xe đạp cũ kỹ được thay bằng chiếc xe máy "cà tàng". Mười hai năm Vượng học phổ thông là ngần ấy năm chị ròng rã theo con đến lớp. Mỗi sáng, người phụ nữ ấy dậy thật sớm, lo liệu việc nhà sau đó đưa Vượng đi học. Sau khi thả con trước cổng trường, chị Nhung lại tất tả chạy chợ, bán từng bó rau, mớ cải để cải thiện bữa ăn trong gia đình. 
    Suốt những năm học phổ thông, Vượng luôn được ưu tiên ngồi bàn đầu. Những lúc được gọi lên bảng giải bài tập, cậu bé "tí hon" lại gặp không ít khó khăn vì chiều cao hạn chế của mình. Năm lớp 10, trường phân lớp của Vượng học trên tầng hai. Sức khỏe quá yếu, không thể ngày ngày trèo qua những bậc thang cao để đến lớp, cậu bé đành gửi đơn đề nghị đến ban Giám hiệu nhà trường. Kết quả là ba năm cấp ba, nhờ có Vượng nên lớp của cậu luôn được học ở tầng một.
    Dù sức khỏe không bình thường như các bạn cùng trang lứa, nhưng cậu bé Vượng đã sớm tạo cho mình tính tự lập rất cao. Vượng luôn tự giặt quần áo cho mình. Những hôm bố mẹ đi làm đồng về muộn, cậu lại thay mẹ nấu cơm, dọn dẹp cửa nhà. Để con trai không phải xoay xở khó khăn, những vật dụng trong gia đình thường được chị Nhung để dưới thấp, vừa tầm với của Vượng.
    "Nhà khó khăn, nên mỗi năm học, thằng bé đâu có được mẹ may cho áo quần mới để khai giảng. Năm vào cấp 1, tôi dồn được ít tiền, may cho cháu bộ áo quần đẹp. Năm vào cấp 2, cháu mới lại được mẹ may cho bộ quần áo mới. Đến năm vào cấp 3, tôi lại dành dụm, sắm cho con bộ áo quần thật "oách", mừng con "thăng cấp". Hơn nữa, cháu lâu lớn quá, nên may một bộ, cháu mặc năm năm vẫn chưa chật. áo quần cứ mặc suốt như vậy, chỉ khi nào rách mới đem vứt bỏ", người mẹ kể về con trai bằng giọng bùi ngùi.
    Sinh con ra không được bình thường như những đứa trẻ khác, lòng người mẹ lúc nào cũng chất chứa nỗi đau. Chị luôn thấy mình có lỗi. Những khi thấy con tự ti, mặc cảm với bạn bè, chị lại quặn lòng. Cũng may Vượng chăm ngoan, học giỏi, 12 năm liền đều là học sinh tiên tiến, khiến nỗi buồn trong chị vơi đi phần nào.
     
    Cậu thí sinh
    Các tình nguyện viên dẫn Vượng vào phòng thi.
    Chắp cánh ước mơ
    Bằng giọng đầy tự hào, chị Nhung chia sẻ, dù không phải là "siêu sao" trong lớp, nhưng Vượng học rất giỏi các môn Toán, Lý, Hóa, nhất là môn Tin học. ở trong lớp, ai có bài tập Tin học nào khó cần giải, lại tìm đến Vượng. Cô giáo trong lớp mỗi khi cần dùng đến công nghệ lại nhờ Vượng làm giúp. Hồi học cấp 1, Vượng từng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Lên cấp 2, cấp 3, một phần do sức khỏe yếu, nên từ học sinh giỏi, Vượng chỉ còn "trụ" được ở hạng khá. Tính tình cởi mở, hòa đồng, nên Vượng rất được bạn bè quý mến, thầy cô quan tâm. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, 12 năm đến trường, Vượng đi học thêm môn nào đều được các thầy cô "miễn phí". Còn ở trong lớp bạn nào cần giúp đỡ, Vượng luôn sẵn sàng. Có khi, bạn bè đến tận nhà chở Vượng đi nhờ giải bài tập giúp. Những hôm bài vở nhiều, Vượng ngủ qua đêm luôn ở nhà bạn.
    Ý thức được sức khỏe của bản thân không tốt nên Vượng ngày đêm lo đèn sách để tìm hướng đi cho tương lai. "Thể chất yếu, nếu không học, sau này em cũng không biết làm gì. Theo ba đi làm nông thì không nổi. Nhưng đi làm mướn, hay phụ thợ nề, ai dám thuê", ánh mắt đượm buồn, chàng thí sinh trong kỳ thi tuyển đại học năm nay trải lòng. Tuổi trẻ hiếu động, nhìn bạn bè chơi thể thao, chạy nhảy ngoài sân trường, Vượng thèm lắm nhưng đành chịu. Mỗi giờ tan học, cậu học sinh nhỏ bé ấy lại lầm lũi ra khỏi lớp cuối cùng bởi lẽ cậu không có sức chen chân với các bạn. Lần đi thi đại học này cũng vậy, khi trống trường đã báo hiệu kết thúc buổi thi, Vượng vẫn ngồi im trong phòng thi, chẳng dám bước ra khi cầu thang lên xuống nườm nượp các thí sinh. "Thấy em nhỏ, sức khỏe yếu, leo lên leo xuống không nổi, mấy anh chị tình nguyện viên trong đội tiếp sức mùa thi đã bế em vượt qua ba tầng lầu đến phòng thi, nhằm đảm bảo sức khỏe để em làm bài thi thật tốt. Sau giờ thi, các anh ấy vẫn nhớ lên phòng thi để bế em xuống", Vượng kể, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Những hành động của các anh chị sinh viên dù nhỏ nhưng làm ấm lòng cậu thí sinh tật nguyền.
    Vượng cho biết, từ năm học cấp 2, em bắt đầu đam mê công nghệ thông tin nhưng do nhà nghèo, chạy vạy, vay mượn mãi, bố mẹ em mới "tậu" cho em được một chiếc máy tính cũ kỹ. Nhưng vì tiết kiệm chi phí, gia đình cũng không dám nối mạng. Những lúc cần tra cứu thông tin, Vượng lại tìm ra quán internet.
    "Trong lần đi thi đại học này, mẹ em dọa: "Thi không đậu là "chết" với mẹ". Nhưng rồi mẹ lại nói: "Nhưng mà con thi đậu, thì mẹ cũng "chết" với con",  Vượng kể bằng chất giọng hài hước. Vượng chia sẻ, với em học không những để thoát nghèo mà học là để sau này còn có cái nghề giắt lưng, không phải sống bám vào gia đình và xã hội.   
    "Nghèo thì nghèo cũng ráng cho con đi học..."
    Dù chưa biết Vượng có đậu đại học hay không nhưng gia đình cậu đã không tránh khỏi lo lắng vì với hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, gia đình cậu khó có thể nuôi nổi Vượng suốt bốn năm đại học. Dẫu vậy, họ vẫn quyết tâm cao độ. "Nghèo thì nghèo, nhưng vợ chồng tôi nhất quyết cho con đi học. Con học đến đâu, vợ chồng tôi sẽ ráng nuôi đến đó. Có sạt nghiệp cũng chịu", mẹ Vượng nói bằng giọng hồ hởi. Bất chợt trong câu chuyện, giọng người phụ nữ lại chùng xuống đầy lo âu. Chị sợ với hình dáng của con trai mình, sau những năm tháng đèn sách, liệu có công ty nào chịu nhận Vượng vào làm. "Lo thì lo đấy, nhưng tôi tin rằng, cuộc sống phía trước sẽ luôn tươi sáng và như vậy mới có động lực để phấn đấu được", người phụ nữ bộc bạch.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/si-tu-ti-hon-mo-thanh-lap-trinh-vien-danh-tieng-a40478.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan