(ĐSPL) – Dỡ bỏ “trần” chi phí quảng cáo 15\% cho doanh nghiệp là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế vừa được Chính phủ trình Quốc hội.
Bối cảnh kinh tế cạnh tranh, doanh nghiệp muốn tự chủ chi phí quảng cáo hợp lý. (Ảnh: nguồn internet). |
Cụ thể, về việc xin sửa đổi quy định mức chi phí tối đa dành cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội cho hay, luật hiện hành quy định không tính vào chi phí được trừ đối với: phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh vượt quá 15\% tổng số chi được trừ (quy định mức trần là 15\%).
Tuy nhiên, mức trần này đang gây khó khăn khá nhiều cho doanh nghiệp bởi trong bối cảnh kinh tế ngày càng cạnh tranh, mỗi doanh nghiệp khi muốn quảng bá sản phẩm của mình đều phải dựa vào quảng cáo, tiếp thị mới có thể đẩy mạnh tiêu thụ, chiếm lĩnh thị trường.
Ghi nhận ý kiến trên của doanh nghiệp, Chính phủ đề nghị bỏ quy định khống chế khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện chi quảng cáo, khuyến mãi nếu có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ước tính phương án này dự kiến làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 160 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh thu và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các doanh nghiệp quảng cáo sẽ tăng lên. Quốc hội dự kiến biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế vào ngày 26-11.
Theo quy định hiện hành, mức chi quảng cáo vượt quá 15\% tổng chi phí của doanh nghiệp sẽ không được coi là hợp lý và sẽ không được khấu trừ thuế. Tuy nhiên, quy định này đang có nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam nên bỏ quy định mức trần này và áp dụng các giải pháp quản lý linh hoạt hơn. Lợi ích rõ nhất từ quyết định dỡ bỏ trần quảng cáo và khuyến mại là các doanh nghiệp sẽ chủ động các chi phí và phù hợp với quy định về tự do kinh doanh.
Đại diện của Hiệp hội quảng cáo Hà Nội, ông Phạm Thành Minh cũng chia sẻ quan điểm: “Khi doanh nghiệp bị khống chế quảng cáo thì sẽ hạn chế doanh thu vì không bán được hàng, do đó thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp không thể thu được”.
Ông Lê Bá Cơ, Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam cũng cho rằng, nên để doanh nghiệp chủ động chi phí quảng cáo, tùy vào thời gian tùy vào mức độ của các doanh nghiệp có thể chi trả. Hơn nữa, việc tăng chi phí quảng cáo không đồng nghĩa với việc tăng giá bán vì nếu doanh nghiệp đạt được doanh thu cao do bán hàng tốt thì doanh nghiệp sẽ tự biết điều chỉnh giá bán hàng hóa sao cho phù hợp...