+Aa-
    Zalo

    Sẽ có "bảo đao" để chặt đứt chiêu bài trốn thuế và chuyển giá?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thời gian qua, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

    (ĐSPL) - Thời gian qua, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

    Từ việc hợp thức hóa các loại hàng hóa, dịch vụ không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường thông qua các hóa đơn khống được gom từ các công ty "ma", đến chiêu bài "chuyển giá"..., các cá nhân, doanh nghiệp đã nghĩ ra "trăm phương nghìn kế" để trốn thuế của Nhà nước.

    Trước thực trạng đó, Chính phủ đã đề xuất phương án trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế trong dự án luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự. Nhiều ý kiến kỳ vọng, nếu được luật hóa, đây sẽ là "lá chắn thép" trong cuộc chiến chống tội phạm về thuế.

    Nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu bài "chuyển lãi thành lỗ" để trốn thuế. (Ảnh minh họa)

    Những trò "mafia" của tội phạm trong lĩnh vực thuế

    Thuế là nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách Nhà nước, thế nhưng một bộ phận người nộp thuế và một số đối tượng khác vẫn móc nối với nhau để trốn thuế, gian lận thuế. Tình trạng này diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi, dẫn đến thất thu thuế. Dư luận từng ghi nhận không ít vụ án chấn động liên quan đến lĩnh vực thuế mà khi bị phanh phui, thiệt hại đã vô cùng nghiêm trọng.

    Một trong những vụ án trốn thuế gây xôn xao tại TP.HCM trong thời gian dài liên quan đến đối tượng Bùi Hân cùng đồng bọn. Đây là vụ án lưu hành giấy tờ có giá giả và trốn thuế có quy mô, tổ chức đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các đối tượng câu kết với nhau, thành lập nhiều công ty, nhằm mua bán khoảng 3.000 tờ hóa đơn, trị giá trên 350 tỉ đồng, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng. Tương tự là vụ án Nguyễn Văn Nhi cùng đồng bọn, thành lập 10 doanh nghiệp để mua bán hóa đơn với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỉ đồng, tiền thuế GTGT Nhà nước bị thiệt hại hơn 390 tỉ đồng (từ năm 2008 - 2011).

    Cũng liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực thuế, một trong những vụ án điển hình mà những người làm công tác điều tra vẫn thường nhắc đến, chính là đường dây lừa đảo thuế của Đường Ngọc Sơn (nguyên Giám đốc công ty TNHH Kim Long). Chỉ trong một năm, Sơn đã lập các hợp đồng ngoại thương giả, dùng thủ đoạn hợp thức hóa thủ tục kê khai hải quan xuất khẩu để chiếm đoạt trên 5 tỉ đồng tiền hoàn thuế VAT. Vụ án xảy ra đã hàng chục năm nhưng vẫn khiến nhiều người phải kinh sợ.

    Theo các cơ quan chức năng, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, thực hiện khá quy mô và được che giấu rất kỹ. Cũng do hoạt động phạm tội được tiến hành qua nhiều tầng lớp nên khó phát hiện ra tên chủ mưu, cầm đầu. Chúng thường thuê mướn những người lao động phổ thông, ít hiểu biết pháp luật đứng tên thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không loại trừ các đối tượng thành lập "doanh nghiệp ma" để mua bán hóa đơn có sự câu kết với cán bộ quản lý thuế, gây không ít khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.

    Nỗi ám ảnh chuyển giá

    Một trong những chiêu bài gian lận thuế được các cơ quan chức năng và giới chuyên gia chỉ ra chính là hình thức chuyển giá nội bộ (chuyển lãi thành lỗ) của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiểu theo lý thuyết về kinh tế, đây là hành vi của chủ thể kinh doanh, tác động đến giá cả nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên trong tập đoàn hay nhóm liên kết. Hiện tượng này đang diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên, để thu thập được chứng cứ, bóc tách được các chiêu né thuế của doanh nghiệp lại là vấn đề không đơn giản.

    Một trong những thông tin khiến dư luận "ngã ngửa" liên quan đến một số "ông lớn" đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là thông tin công ty Metro Cash & Carry 12 năm không đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào, vì khai lỗ triền miên. Vào Việt Nam hoạt động kinh doanh từ tháng 3/2002, sau 12 năm, Metro hiện có 19 trung tâm tại 14 tỉnh thành với 3.600 nhân viên.

    Thế nhưng, tương phản với tốc độ mở rộng và doanh thu, một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy, Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong top các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Metro trở thành một trong những doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế và dư luận cả nước đặt dấu hỏi lớn về vấn đề chuyển giá.

    Chưa hết, cách đây ít lâu, dư luận cũng choáng váng trước nghi án "ông lớn" Coca-Cola khai lỗ hơn 3.700 tỉ đồng, 10 năm không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng không ngừng mở rộng sản xuất và sản phẩm mới. Một chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn nói, với "mánh" này của Coca-Cola, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị hạ gục, trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã bị xóa sổ cả một ngành. Dư luận bất bình và chẳng cần kiến thức chuyên môn cũng có thể đặt ra những câu hỏi về nghi vấn chuyển giá và trốn thuế.

    Những hiện tượng nêu trên cũng đã được các ngành chức năng của Bộ Tài chính chỉ ra. Theo báo cáo của Bộ này, trong 9 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 1.990 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt và truy hoàn là 1.559,8 tỉ đồng, giảm lỗ 4.720 tỉ đồng; giảm khấu trừ 99,9 tỉ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng, tình trạng trốn thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI vẫn diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm.

    Trong khi đó, theo quy định hiện hành, giống như một số cơ quan khác, vì không có thẩm quyền điều tra, cơ quan thuế chỉ tham gia với vai trò phối hợp trong điều tra nên hiệu quả công tác quản lý thuế gặp không ít hạn chế. Ví dụ, khi phát hiện sai phạm, thẩm quyền chủ yếu của cơ quan thuế là quyền kê biên, tạm giữ hàng hóa; quyền kiểm tra hồ sơ, chứng từ, hàng hóa; quyền yêu cầu cung cấp thông tin...

    Trao quyền điều tra cho cơ quan thuế là cần thiết

    Thực tế khi có sự "nhập cuộc" của Cơ quan điều tra thì hậu quả đã diễn tiến vô cùng nặng nề, hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng tiền thuế của Nhà nước đã bị "thổi bay".

    Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, phương án trao quyền điều tra cho cơ quan thuế là vô cùng cần thiết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc chiến chống tội phạm thuế. Bởi không ai, kể cả lực lượng công an hiểu rõ nghiệp vụ và mọi ngóc ngách về thuế bằng các cán bộ, công chức thuế vụ.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Đại tá Nguyễn Trần Hanh, Trưởng phòng PC46, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: "Nếu sửa đổi, bổ sung luật cho phép cơ quan thuế là cơ quan điều tra về lĩnh vực thuế thì đó là lĩnh vực chuyên sâu. Nếu như cơ quan thuế được luật trao quyền điều tra và họ được làm đến khi chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát, toà án và cơ quan điều tra công an không tham gia điều tra nữa thì được. Còn nếu cơ quan thuế làm xong lại chuyển cho công an, công an xong lại chuyển cho kiểm sát thì lúc bấy giờ công an làm sao lấy kết quả điều tra của cơ quan thuế được. Việc làm lại từ đầu không những mất thời gian mà còn gây phiền hà cho cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân bị điều tra. Theo tôi, Nhà nước đã có cơ quan điều tra rồi thì cơ quan thuế làm vai trò kiểm tra và hãy làm tốt vai trò kiểm tra. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì kiến nghị sang cơ quan điều tra để khởi tố và xử lý."

    Nhà nhà điều tra, người người điều tra?

    Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng: "Giao thẩm quyền thì phải giao mô hình, tổ chức tương ứng. Nếu giao cho người ta thẩm quyền điều tra mà không giao tổ chức như không có thủ trưởng Cơ quan điều tra, không có điều tra viên chuyên trách thì người ta sẽ làm việc thế nào, hiệu quả đến đâu? Cơ quan điều tra thuế của nước ngoài hoàn toàn khác mô hình cơ quan điều tra thuế của Việt Nam mà chúng ta định áp dụng. Nếu với cứ lý lẽ như trên thì tới đây sẽ có nhiều cơ quan, lĩnh vực khác đề nghị được giao thẩm quyền điều tra, vậy là sẽ nhà nhà điều tra, người người điều tra?".

    Cũng liên quan đến đề xuất trên, bà Lê Thị Nga- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không đồng ý mở rộng thẩm quyền điều tra cho các cơ quan thuế. Theo bà Nga, để có thêm một cơ quan riêng biệt này, ngoài những đòi hỏi về chuyên môn, một yếu tố then chốt, không thể thiếu là nghiệp vụ và kinh nghiệm trong việc điều tra, xét hỏi. Việc đó, e rằng ngành thuế khó đảm đương trọn vẹn, nếu được giao quyền.

    Nhiều nước tổ chức cả lực lượng "cảnh sát thuế"

    Cũng theo tiếp cận của PV báo Đời sống và Pháp luật từ các nguồn tài liệu nước ngoài, tại nhiều nước, cơ quan thuế được trang bị quyền lực rất lớn. Ở Pháp, trên cơ sở điều tra của cơ quan thuế, Bộ trưởng bộ Tài chính có quyền chuyển thẳng hồ sơ sang cơ quan công tố để truy tố người trốn thuế ra tòa mà không cần phải thông qua Cơ quan điều tra của cảnh sát. Thậm chí, một số nước còn tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế để xử lý các vụ vi phạm về thuế, như Serbia, Nga, Indonexia, Nhật Bản... Những lực lượng này từng khám phá những vụ trốn thuế hàng trăm triệu USD.

    Không nên trao thêm quyền vì dễ lạm quyền

    TS. Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng khoa Sau đại học, đại học Luật Hà Nội, một trong những chuyên gia hàng đầu về luật Quản lý Thuế cho rằng: Yếu tố tích cực của việc trao quyền này là cơ quan thuế có kiến thức, có chuyên môn về thuế thì việc điều tra các vấn đề về thuế sẽ phát hiện các hành vi vi phạm sớm và chính xác, hiệu quả hơn. Việc trao quyền cho cơ quan thuế đã có tiền lệ, một số nước đã áp dụng rồi. Có điều ở các nước đó, công chức làm rất nghiêm, họ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp nên tình trạng lạm quyền ít xảy ra. Còn ở Việt Nam, việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, lạm quyền gây nhũng nhiễu không phải là chuyện lạ.

    Đặc biệt, với bản chất ngành thuế được nhiều người coi là mảnh đất "màu mỡ", dễ nảy sinh tiêu cực, việc trao quyền điều tra cho cơ quan thuế sẽ làm tăng cơ hội để người ta có thể lạm quyền. Có nhiều quyền lực, gắn với lợi ích, người ta dễ vi phạm. Nguy cơ lạm quyền là một nguy cơ cần phải chú ý khi chuyển sang mô hình trao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Điều tra là một lĩnh vực chuyên trách phải có hoạt động chuyên nghiệp. Sau này trong tất cả cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, lực lượng nào phải mở rộng do đặc thù thì cũng phải kiện toàn theo hướng có điều tra viên chuyên trách".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/se-co-bao-dao-de-chat-dut-chieu-bai-tron-thue-va-chuyen-gia-a83292.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về thuế, hải quan

    Bộ Tài chính đối thoại với doanh nghiệp về thuế, hải quan

    Ngày 30/10/2013, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) về cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan. Hội nghị thu hút hơn 500 DN và các hiệp hội DN khu vực phía Bắc.

    Truy thu 345 tỷ đồng tiến thuế của doanh nghiệp xăng dầu

    Truy thu 345 tỷ đồng tiến thuế của doanh nghiệp xăng dầu

    Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, số tiền truy thu thuế đối với 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối lên đến 345 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền truy thu thuế quá lớn, doanh nghiệp quay sang đổ lỗi cho cơ quan quản lý Nhà nước...