(ĐSPL) - Hầu hết các nông dân đang trồng cà chua hiện nay, nhất là ở các vùng có diện tích cà chua lớn như Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt đều than thở về câu chuyện cà chua được mùa và rót giá.
Từ đầu vụ Đông- Xuân đến nay, giá cà chua thu mua tại vườn chỉ dao động từ 300- 1.000 đồng/kg, nhiều nông dân cho biết với giá này chỉ biết “mất trắng” chi phí, nhiều lắm là lấy lại được tiền giống cây con.
Không chỉ có người trồng cà chua mà những vựa thu mua cà chua cũng “cùng chung số phận” lỗ nặng. Chị Tạ Thị Bảy (Thạnh Mỹ- Đơn Dương), chủ một vựa mua cà chua xuất đi các tỉnh cho biết “Mua cà chua về như nhà tôi không ít lần phải đem đổ bỏ vì để lâu cà hư, giá thành thấp quá xuất đi cũng lỗ công vận chuyển. Giá tại vườn rẻ, cứ nghĩ mua về đợi giá lên những cũng không khả quan”.
Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, địa phương này đang có trên 1000 ha cà chua đang vào mùa thu hoạch. Nhưng với giá cả hiện nay, nhiều nhà nông chọn cách cầm chừng chờ giá tăng nếu không chỉ còn cách giỡ bỏ hay bán tống bán tháo lấy lại tiền vốn. Theo ông Huỳnh Ngọc Thận- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đơn Dương “ Chưa năm nào giá cà chua rớt giá kéo dài như hiện nay. Giá thấp quá chỉ đủ lấy lại tiền giống, từ đầu năm đến nay giá cà chua không tăng, nông dân lỗ rất nhiều”.
|
Giá cà chua thu mua tại vườn chỉ dao động từ 300- 1.000 đồng/kg. |
Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phân tích: Cà chua rớt giá có nhiều nguyên nhân, cung vượt quá cầu trong thời gian dài là nguyên nhân chủ yếu.
Hiện nay, nhiều vùng trong cả nước đã trồng được cà chua nên sản lượng ra thị trường rất nhiều, hơn nữa sự thiếu liên kết giữa nhà nông với nhà tiêu thụ, mối liên kết này hiện còn rời rạc. Hơn nữa, hiện tại cũng chưa thể tự sản xuất sản phẩm từ nông sản… là những lý do chủ yếu khiến nhà nông điêu đứng.
Trong một thời gian ngắn, hết câu chuyện dưa hấu tại Quảng Ngãi được mùa, xuất khẩu sang Trung Quốc bị ùn tắc, đành phải vứt cho bò ăn, lại đến cà chua Đà Lạt rớt giá, đang chờ vứt bỏ, dường như nhà nông chịu lỗ không còn là chuyện mới, thế nhưng vẫn tiếp diễn trong thời gian dài. Từ những phán đoán thời vụ tự phát, thiếu thông tin thị trường, đầu ra không ổn định mà những người nông dân đang phải dở khóc dở cười với chính thành quả từ sức lao động của mình.
Đến bao giờ, Nhà nước mới có chính sách, công nghệ hỗ trợ cho người nông dân để dự báo, bảo quản sau mỗi vụ thu hoạch, để người nông dân không thất bát, mặc dù được mùa?
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-dua-hau-quang-ngai-den-ca-chua-da-lat-rot-gia-cho-vut-bo-a28812.html