+Aa-
    Zalo

    Sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên vào trường nghề: Lại một đề xuất "trên trời"!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đề xuất sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào các trường nghề đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các chuyên gia giáo dục.

    Mới đây, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đề xuất sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào các trường nghề đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các chuyên gia giáo dục.

    Học sinh học văn hóa tại trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy (Hà Nội).

    Không hợp lý!

    Trên thực tế, có nhiều trường cao đẳng, trung cấp đang triển khai mô hình 9+ đào tạo nghề kết hợp dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không có khả năng thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập hoặc mong muốn đi học nghề thì đăng ký vào trường cao đẳng, trung cấp học theo mô hình 9+ (học nghề trình độ trung cấp; học văn hóa chương trình GDTX hệ THPT có 7 môn).

    Do trường nghề không có chức năng dạy văn hóa, nên phải phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) để học sinh học hết lớp 12 mới được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lấy bằng tốt nghiệp.

    Mới đây, TS. Phạm Xuân Khánh (trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) nêu quan điểm: “Cùng một học sinh có 2 đơn vị đồng thời quản lý dẫn đến vừa tốn kém, phức tạp vừa dễ chồng chéo ảnh hưởng đến kết quả học tập. Lại có những ý kiến khác lo lắng về việc trường nghề không được can thiệp sâu vào việc dạy văn hóa nên khó kiểm soát được trung tâm GDNN-GDTX đi thuê giáo viên thỉnh giảng (vì cùng lúc mỗi trung tâm GDNN-GDTX hợp tác với nhiều trường nghề), dẫn đến chất lượng dạy văn hóa không bảo đảm, ảnh hưởng đến học sinh. Vì vậy, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đề xuất nên sáp nhập các trung tâm GDNN-GDTX vào các trường trung cấp, cao đẳng”.

    Tuy nhiên, ý kiến này lại vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Theo ông Nguyễn Công Dương (Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX quận Ba Đình, Hà Nội), từ trước đến nay, hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của trung tâm GDNN-GDTX khác với các trường cao đẳng, trung cấp.

    Ông phân tích: “Đề xuất này mà được đưa ra trưng cầu ý kiến thì ít người đồng ý lắm! Các trung tâm GDNN-GDTX vừa giáo dục văn hóa, vừa đào tạo nghề. Chúng tôi dạy từ lớp 6 đến lớp 12, còn làm công tác phổ cập, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí địa phương, duy trì ổn định và dạy nghề phổ thông, dạy nghề ngắn hạn... đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng từ các quận, huyện. Còn các trường cao đẳng, trung cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ cao hơn, có những nội dung không liên quan, mà cũng không nắm được như các trung tâm. Hơn nữa, không phải quận, huyện nào, địa phương nào cũng có những trường cao đẳng, trung cấp, để muốn sáp nhập là sáp nhập được”.

    “Cách đây mấy năm, đã sáp nhập 3 đơn vị vào 1, nay đang hoạt động ổn định, tự nhiên lại đề xuất sáp nhập. Thực sự không hợp lý! Nếu đề cập đến chuyện sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng thì còn khả thi, mà chưa kể, ngay bài toán này đến nay vẫn còn chưa đi đến đích” - ông Nguyễn Công Dương bày tỏ.

    “Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo mầm non”?

    Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Đỗ Phú Việt (Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, những năm gần đây, chất lượng đào tạo hệ phổ thông của trung tâm được đánh giá chủ yếu qua cuộc thi học sinh giỏi thành phố và kỳ thi tốt nghiệp THPT, đều có tín hiệu tốt. Cụ thể, nhiều năm, trung tâm có học sinh đoạt giải Nhất môn Ngữ văn, môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi do sở GD&ĐT tổ chức cho học viên GDTX toàn thành phố; đồng thời, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT khá ổn định, tăng nhẹ qua từng năm (năm 2020 đạt 97,3%, có 8 thí sinh đỗ đại học).

    Ông Đỗ Phú Việt (Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX quận Cầu Giấy) bày tỏ nhiều băn khoăn trước đề xuất này.

    Ông Việt chỉ ra: “Đối tượng học sinh tại trung tâm GDNN-GDTX tương đối đặc biệt, học sinh thường có hoàn cảnh éo le, nhiều em phải vừa học vừa lo làm việc mưu sinh. Trong khi đó, nhiều phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mực đến việc học của con em. Giáo viên tại trung tâm phải rất tâm huyết mới có thể động viên các em học tập chăm chỉ, thậm chí, còn bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi.

    Chưa kể, trung tâm nào cũng có những học sinh cá biệt, mà sự kỷ luật nào cũng phải đề cao tính giáo dục... Có thể nói đây là môi trường đặc thù và nhạy cảm, điều kiện khắc nghiệt, trung tâm luôn phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hàng ngày, hàng giờ”.

    Ông Đỗ Phú Việt cũng bày tỏ rất nhiều băn khoăn: “Bây giờ, đề xuất sáp nhập trung tâm GDNN-GDTX vào các trường nghề, tôi chưa đặt vấn đề về luật, chỉ đề cập đến chức năng, nhiệm vụ mang tính chất xã hội của trung tâm. Về mảng văn hóa, đối với các em ở lứa tuổi đang đi học, đa phần là học sinh có nhận thức, kiến thức thấp hơn so với mặt bằng chung. Nhiều trường hợp khác lại rơi vào những hoàn cảnh rất éo le, phụ huynh, gia đình khó khăn, hoàn cảnh kinh tế; những người lao động từ tỉnh khác đến đây, muốn đi học nhưng quá độ tuổi đi học mà vẫn có nhu cầu và nguyện vọng đi học.

    Bên cạnh đó, nhiều học sinh đi học hòa nhập, bố mẹ đưa đón mỗi ngày, chỉ cần con đi học, chẳng quan trọng điểm số... Mỗi năm, làng trẻ SOS còn gửi vào trung tâm hàng chục học sinh (chiếm gần 1/4 học sinh của trung tâm), là đối tượng được giảm trừ học phí...Trung tâm GDNN-GDTX đáp ứng những trường hợp như vậy. Các trường nghề kia có làm được điều đó không?

    Chưa kể, còn rất nhiều chức năng nhiệm vụ khác nữa. Nếu suy nghĩ sáp nhập như vậy thì theo đà này, có lẽ, đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đào tạo cả bậc mầm non? Phá vỡ một hệ thống!”.

    “Cho dù có thể sáp nhập, nhưng giả sử, tại Hà Nội, trong một quận/huyện, có rất nhiều trường cao đẳng, trung cấp thì phải giao trung tâm GDNN-GDTX cho trường nào? Căn cứ vào những tiêu chí như thế nào để lựa chọn?” - ông Đỗ Phú Việt nhấn mạnh thêm.

    Trao đổi về đề xuất trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) cũng khẳng định: “Các trung tâm GDNN-GDTX và các trường trung cấp, cao đẳng là các đơn vị thuộc 2 hệ thống giáo dục, đào tạo khác nhau, cả về chức năng, nhiệm vụ và quản lý, làm sao có thể sáp nhập lại được?

    Việc học sinh học nghề cần có bằng tốt nghiệp THPT để học liên thông thì cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và xem xét lại, từ từ từng bước giải quyết một cách cơ bản, nếu cần thiết thì có thể sửa luật, chứ không phải nghĩ đến chuyện gặp đâu sửa đấy, sửa một cách “chắp vá”, vấp phải rất nhiều vướng mắc”.

    Trước thông tin về đề xuất trên, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng vụ Giáo dục thường xuyên (bộ GD&ĐT) khẳng định: “Sẽ không có chủ trương sáp nhập!”. Vị đại diện bộ GD&ĐT cũng cho hay, chỉ có trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX được thực hiện chương trình GDTX cấp THPT. Theo báo cáo thống kê của các sở GD&ĐT, trong năm học 2020-2021, quy mô và số lượng các trung tâm GDTX trên cả nước là 645 trung tâm (trong đó, trung tâm GDTX cấp tỉnh là 71; trung tâm GDNN-GDTX là 574). Số học viên đang theo học chương trình GDTX cấp THPT tại các trung tâm GDTX trên cả nước là 261.077 học viên. Với quy mô như vậy, việc đáp ứng yêu cầu của người học là đảm bảo.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ Bảy (17)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-nhap-trung-tam-giao-duc-thuong-xuyen-vao-truong-nghe-lai-mot-de-xuat-tren-troi-a364217.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan